Do khó khăn tài chính đồng thời hạn chế tình trạng người lao động tự ý bỏ việc, một đơn vị sản xuất giày tại phường Tân Tạo, TP HCM đã giữ lương của người lao động (nửa tháng lương đầu tiên).
Công ty giữ lương của người lao động là đúng hay sai?
Công ty cho rằng đó là cách hạn chế công nhân tự ý bỏ việc và cam kết thanh toán cho người lao động khi họ nghỉ việc có thông báo trước.
Điều này đã được thông báo trước cho người lao động từ khi tuyển dụng.

Người lao động được tư vấn miễn phí về chính sách tiền lương, bảo hiểm
Anh Trần Quang Hùng, công nhân công ty, cho biết khi vào làm, anh đã được thông báo về mức thu nhập hàng tháng (từ 6,5 triệu đồng/tháng trở lên), công ty giữ lại 50% lương lương tháng đầu tiên, khoản còn lại sẽ được hoàn trả đầy đủ khi nghỉ việc. Điều này được công ty áp dụng từ lâu. Khi ấy cần việc làm nên anh đồng ý.
"Không chỉ tôi, trong công ty đa số là công nhân lớn tuổi, gắn bó lâu năm nên họ đều đồng ý mà không hề thắc mắc. Tôi không biết việc công ty giữ lương của người lao động như vậy có đúng hay không?"- anh Hùng băn khoăn.
Bộ Luật Lao động 2019 quy định ra sao?
Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định, về nguyên tắc trả lương, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn, thì không được chậm quá 30 ngày.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm, tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, theo quy định trên, công ty phải trả lương đầy đủ và không được quyền giữ lương của người lao động.
Giữ lương bị phạt từ 10-100 triệu đồng
Trường hợp doanh nghiệp giữ lương của người lao động, bị xử phạt vi phạm hành chính Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Mức phạt từ 10-100 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động mà doanh nghiệp đã vi phạm quyền lợi.
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức, công ty thì mức phạt sẽ gấp đôi.
Bình luận (0)