Rất nhiều người từ các tỉnh, thành phía Bắc đã tới vùng đất Tây Nguyên để làm công nhân cao su. Trải qua những ngày đầu khó khăn, đến nay hầu hết đã có cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp.
Cơ hội lớn lên từng ngày
Đặc biệt, hằng năm, các công ty cao su đứng chân trên địa bàn đều có nhiều chính sách chăm lo cho người lao động và chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Nguyệt (39 tuổi) cho biết gia đình chị ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, quanh năm làm nông vất vả nhưng luôn chịu cảnh lụt lội, mất mùa. Do có người đã vào huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum làm công nhân cao su từ trước nên năm 2012, chị cũng theo vào làm. Ban đầu, thấy cuộc sống vất vả nên được một tuần, chị định bỏ xuống TP HCM để làm công nhân. "Nhưng lúc đó, tôi được anh em giữ lại, động viên rằng khó khăn thì khắc phục dần, rồi cuộc sống sẽ khá lên từng ngày nên tôi đổi ý" - chị Nguyệt kể.
Vợ chồng chị Nguyệt là những công nhân "đời đầu", hằng ngày chăm sóc, cạo mủ 2.500 cây cao su, cho thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Khoản tiền này giúp vợ chồng chị đủ điều kiện lo cho 2 con đang ăn học.
Thấy gia đình chị Nguyệt sống tốt ở vùng đất nắng gió này, nhiều người thân trong họ hàng cũng nghe tiếng mà tìm đến xin vào làm công nhân cao su. Đến nay, họ hàng nhà chị Nguyệt đã có tổng cộng 15 người đang làm công nhân cao su Nông trường 1 thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Tất cả đều xem đây là quê hương thứ hai, tự nhủ sẽ gắn bó ổn định lâu dài.
Còn chị Nguyễn Thị Thùy (40 tuổi), công nhân cao su Nông trường Suối Đá - Công ty TNHH MTV Cao su Sa Thầy, cho biết chị quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây chị từng đi nhiều nơi như TP HCM, Bình Dương… để mưu sinh. Năm 2007, có người thân vào huyện Ia H'Drai làm công nhân cao su, nói đây là vùng đất kinh tế mới, có thể làm ăn được nên một năm sau, chị và chồng là anh Lê Văn Tuấn cũng theo vào làm công nhân.
"Ngoài tiền lương, hằng tháng những người đồng bào dân tộc thiểu số như tôi còn được hỗ trợ thêm nhiều khoản khác" - chị H'Leng, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, nói.
Lúc mới vào, hai vợ chồng dựng nhà tạm để ở, ăn cá khô, bị sốt rét mà lại không có nước sạch để dùng. Đã có lúc vợ chồng chị định buông bỏ để quay lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân. Nhưng được mọi người khuyên nhủ nên vợ chồng chị lại đổi ý. "Tôi nhớ lúc đó ăn cá khô liên tục nên rất thèm thịt heo. Đội trưởng hứa về tỉnh vào sẽ mua cho 1 kg thịt heo nhưng mang vào đến nơi đã bốc mùi thum thủm" - chị Thùy kể lại.
Thấm thoắt đến nay vợ chồng chị Thùy đã gắn bó với cây cao su, vùng đất mới này 16 năm. Hằng ngày, hai vợ chồng chị chăm sóc vườn cao su với 2.800 cây, cho thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng, đủ tiền lo cho 3 con ăn học. Vừa qua, gia đình chị Thùy đã cất được căn nhà trên 200 m2 khang trang với giá trị gần 1 tỉ đồng và đưa cha mẹ từ quê vào ở cùng để tiện phụng dưỡng.
Chị Blưn (30 tuổi, làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây) cho biết đã làm công nhân của Nông trường Hà Tây - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah (tỉnh Gia Lai) được hơn 10 năm nay. Trước đó, chị chỉ biết quanh quẩn với nương rẫy, thu nhập cả nhà mỗi năm chỉ chừng 20 triệu đồng. Từ ngày vào làm công nhân, thu nhập của chị khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhờ đó mà cuộc sống khá lên trông thấy. So với những người trong làng Kon Pơ Nang, gia đình chị thuộc diện khá giả.
Không ngừng nỗ lực
Ông Trần Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, tiết lộ hiện công ty có 407 hộ gia đình đã có nhà ở ổn định với trên 1.600 khẩu. Mức thu nhập bình quân mỗi người trên 10 triệu đồng. So với những lao động khác trong khu vực, đây là mức lương khá cao.
Để làm được điều này, công ty đã phải rất nỗ lực thực hiện nhiều phương pháp kinh doanh. Trong đó, công ty chọn mô hình sản xuất thu mủ đông - 10 ngày cạo mới thu hoạch một lần - giúp giảm công lao động mà năng suất lại nâng lên.
Một điều may mắn nữa là nhà máy chế biến của công ty xây dựng trong thời gian gần đây nên chọn được vị trí xây dựng tốt, công nghệ bảo đảm tất cả các yếu tố và được khách hàng đánh giá tốt nhờ vậy sản phẩm bán được giá cao. Với những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho công ty. Bên cạnh đó, công ty còn được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tặng bằng khen do làm tốt công tác quốc phòng - an ninh và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ông Vũ Hữu Hớn, Giám đốc Nông trường 3 - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum), cho biết nông trường đang quản lý 1.175 ha cao su với 240 công nhân, trong đó hơn 90% đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của công nhân ở đơn vị cao hơn so với mặt bằng chung trong khu vực này.
Theo ông Trần Ngọc Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, công ty đang có hơn 1.000 lao động, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng. Chủ trương của công ty là ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, ngoài việc chăm lo cho đời sống công nhân, công ty còn làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương như hỗ trợ người nghèo, làm đường giao thông, phụng dưỡng người có công...
Tương tự, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah hiện có trên 1.700 lao động thì hơn 71% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Với mức thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng đã giúp những công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số từng ngày thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, công ty luôn quan tâm, giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động đầy đủ, kịp thời. Điển hình là chỉ riêng tiền, hàng bồi dưỡng độc hại cấp cho người lao động năm 2023 đã lên tới hơn 6,6 tỉ đồng. Công nhân còn được khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ, giày, áo mưa, xà phòng, găng tay....
Ngoài ra, công ty còn thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội trên địa bàn: tổ chức thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, trẻ em không nơi nương tựa và các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, thăm hỏi gia đình chính sách…
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10
Bình luận (0)