xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Bước chuyển dạy và học

Yến Anh - Đặng Trinh

Những thay đổi dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ tăng cường sự chú trọng vào việc học tập và rèn luyện đều đặn, tránh học lệch, học tủ chỉ để thi cử

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi.

Tạo môi trường học tập công bằng

Trong danh sách các môn thi, dự kiến bổ sung môn tin học, công nghệ (công nghiệp, nông nghiệp) đây là những môn lần đầu tiên được tổ chức thi. Ngoài ra, cũng bổ sung một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có một dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm). Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.

Về xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT lên phương án tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bổ sung môn công nghệ và tin học vào kỳ thi không chỉ giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). "Việc có hai môn sẽ thu hút nhiều học sinh quan tâm và lựa chọn những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ" - một giảng viên của ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ. Đồng quan điểm, giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận định việc đưa 2 môn công nghệ và tin học vào kỳ thi tốt nghiệp giúp học sinh tập trung vào những môn học thật sự có ý nghĩa cho con đường sự nghiệp sau này. Ngoài ra, điều này cũng góp phần tạo ra một môi trường học tập công bằng hơn, xóa bỏ sự phân biệt giữa các môn chính và phụ trong nhà trường.

Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), cho biết nhìn chung một số dự kiến thay đổi của Bộ GD-ĐT hướng đến mục tiêu nâng cao tính công bằng, toàn diện và chuẩn hóa trong đánh giá năng lực học sinh.

Có thể phân tích, việc tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% là thay đổi quan trọng. Thay đổi này giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập của học sinh trong suốt 3 năm THPT thay vì chỉ tập trung vào năm lớp 12. Điều này phản ánh tốt hơn quá trình học tập và sự phát triển liên tục của học sinh, tránh tình trạng học dồn hoặc chỉ cố gắng trong năm cuối.

Chuẩn hóa đánh giá năng lực

Tuy nhiên, theo ông Khương, việc đánh giá dựa trên kết quả học tập trong suốt 3 năm có thể gây áp lực lớn cho học sinh ngay từ năm lớp 10. Một số học sinh có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi ban đầu nhưng lại cải thiện rõ rệt ở các năm sau.

Cũng theo ông Khương, với việc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm sẽ bảo đảm đánh giá chính xác và công bằng hơn trong việc đánh giá năng lực thực tế của học sinh, làm giảm sự bất công cho những học sinh thi trực tiếp môn ngoại ngữ.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm động lực cho học sinh trong việc đầu tư vào việc đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Một số chứng chỉ quốc tế có thể phản ánh năng lực ngoại ngữ tốt hơn một bài thi quốc gia đơn lẻ, do đó không công nhận thành 10 điểm có thể chưa hoàn toàn khuyến khích năng lực học ngoại ngữ thực sự.

ThS Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) nhìn nhận, trong 6 điểm mới của dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, việc tăng số năm học để tính điểm học tập và tỉ lệ phần trăm kết quả học tập ở THPT (từ 30% lên 50%) trong xét công nhận tốt nghiệp là một sự thay đổi mang nhiều giá trị trong bước chuyển mình từ dạy kiến thức sang dạy phát triển năng lực và phẩm chất.

Theo thầy Thanh, trong thực tế, bài kiểm tra trên giấy chỉ đánh giá được năng lực đặc thù của môn học ở phạm vi giới hạn về mặt kiến thức và hoàn toàn không thể đánh giá các năng lực chung, phẩm chất của học sinh. Năng lực chung và phẩm chất của học sinh muốn phát triển phải thông qua các hoạt động dạy học, sự tương tác của giáo viên và học sinh trong xuyên suốt quá trình học tập gắn với sự đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Do vậy, việc Bộ GD-ĐT kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình (50%) và kết quả thi tốt nghiệp (50%) là phù hợp và là động lực để các đơn vị giáo dục làm tốt công tác dạy học phát triển năng lực, phẩm chất, chú trọng đánh giá quá trình theo đúng tinh thần của chương trình GDPT 2018.

Từ việc thay đổi kết quả thi THPT từ năm 2025 chiếm tỉ trọng 50% sẽ kéo theo đề thi các môn tăng cường tính phân hóa cao hơn nhằm sàng lọc nhiều đối tượng học sinh, qua đó đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. 

Trường ĐH cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển

Phương án thi 2+2 mà Bộ GD- ĐT dự kiến sẽ khiến các trường đại học có sự thay đổi trong tổ hợp xét tuyển. Theo các chuyên gia, các trường đại học cần sớm công bố các tổ hợp mới để tránh ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, các trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cũng nên có một số điều chỉnh, đưa năng lực tin học và công nghệ vào hệ thống các câu hỏi đánh giá. Bởi điều đó không chỉ giúp học sinh chọn đúng môn học theo khả năng sở trường mà còn cải thiện chất lượng tuyển sinh, từ đó chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra được nâng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho rằng với phương án 2+2, trước mắt chưa cho phép thực hiện việc thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc giới hạn tối đa 2 môn tự chọn có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, thí sinh thi 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn với 3 môn thi thành phần, vì thế có thể kết hợp các môn thi để tạo ra một hoặc cả chục tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, mỗi tổ hợp phải có môn toán hoặc văn hoặc cả 2 môn này. Thí sinh xác định tổ hợp xét tuyển dựa trên thế mạnh của mình. Như vậy, ngoài các thí sinh xét tuyển khối D, những thí sinh có thế mạnh và xét tuyển các tổ hợp truyền thống như toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh, văn - sử - địa sẽ chỉ có một tổ hợp xét tuyển.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo