xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đối phó dịch bệnh bí ẩn

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh bí ẩn khiến nhiều người tử vong ở Congo đang gây hoang mang có thể là sốt rét ác tính

Trước tình hình dịch bệnh lạ gây chết người hàng loạt ở Congo, một số nước bắt đầu thắt chặt cửa ngõ để phòng ngừa. Việt Nam cũng đang nâng mức cảnh báo, kiểm soát.

Tử vong chủ yếu ở trẻ em

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay gần 2 tháng qua, tại Congo đã ghi nhận 406 ca mắc bệnh với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp. Trong đó, 31 người đã tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Kết quả ban đầu cho thấy bệnh lạ này liên quan bệnh sốt rét - một căn bệnh phổ biến ở khu vực Panzi, Tây Nam Congo. Trong 12 mẫu xét nghiệm, có tới 10 mẫu dương tính với sốt rét. WHO nhận định sốt rét có thể là nguyên nhân chính hoặc yếu tố góp phần gây ra tử vong, kết hợp với các bệnh khác như viêm phổi cấp tính, cúm, COVID-19, sởi và tình trạng suy dinh dưỡng. Hiện WHO cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi đang phối hợp để điều tra nguyên nhân và tìm giải pháp ứng phó.

Một bệnh nhân từng điều trị sốt rét tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngẢnh: NGỌC DUNG

Một bệnh nhân từng điều trị sốt rét tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngẢnh: NGỌC DUNG

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết ngay sau khi nhận được thông báo, cục đã phối hợp với WHO và các quốc gia cập nhật thông tin để đánh giá nguy cơ, từ đó đề xuất các đáp ứng phù hợp. WHO xác định sốt rét có thể là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh lạ tại Congo.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, từ đầu năm đến cuối tháng 11-2024, cả nước ghi nhận 333 trường hợp mắc sốt rét, chưa có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 21,6%, số tử vong giảm 1 trường hợp. Số ca mắc chủ yếu tại các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Trong các địa phương có bệnh nhân sốt rét, có tới 13/23 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét có bệnh nhân ngoại lai xâm nhập.

Toàn quốc có khoảng 7 triệu người sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại hơn 1.000 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở rừng núi, vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên, biên giới. Trong khi đó, có tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị. Hiện vẫn còn nhiều tỉnh có tình hình sốt rét dai dẳng, phức tạp như Lai Châu, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…

Tái phát sau nhiều năm khỏi bệnh

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo về ca mắc sốt rét ác tính hiếm gặp. Bệnh nhân là người đàn ông 37 tuổi (ở Hòa Bình). Khoảng 20 năm trước, người này từng được chẩn đoán mắc sốt rét. Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao kéo dài từ 39 đến 40 độ C trong 5 ngày liên tiếp. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng trướng, gan to, vàng da và vàng mắt ngày càng rõ rệt cùng với tình trạng nước tiểu ít và sẫm màu. Tại cơ sở y tế ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy gan và tan máu nặng. Mặc dù trước đó không có tiền sử bệnh lý về gan nhưng bệnh sốt rét ác tính đã gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.

Theo BS Trương Tư Thế Bảo, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trường hợp này là lời cảnh báo quan trọng về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét sau nhiều năm. Ký sinh trùng sốt rét vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt 20 năm và tái phát khi gặp điều kiện thích hợp. "Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét có khả năng "ngủ" trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi" - BS Bảo cảnh báo.

Chớ hoang mang nhưng đừng chủ quan

PGS-BS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường Đại học Y Dược TP HCM, nhận định dịch bệnh ở Congo khả năng 90% là sốt rét. Mặc dù không loại trừ khả năng có nhiều loại bệnh khác liên quan đến đợt bùng phát này nhưng bệnh sốt rét hoàn toàn có thể kiểm soát và không có khả năng bùng phát thành dịch tại Việt Nam. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang. "Sốt rét đã có thuốc điều trị hiệu quả và rất dễ phòng ngừa. Dịch bệnh đang xảy ra ở các vùng biên giới hẻo lánh của Congo, nơi điều kiện y tế còn yếu kém khiến công tác phát hiện và kiểm soát bị chậm trễ" - BS Dũng thông tin.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thành phố đã loại trừ sốt rét từ năm 2020 và là một trong 46 địa phương cả nước đạt được tiêu chuẩn loại trừ sốt rét tính đến năm 2023. Năm 2023, TP HCM ghi nhận 21 ca sốt rét, chủ yếu là những ca ngoại lai từ các quốc gia hoặc các tỉnh khác đến. HCDC vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên các ca bệnh và muỗi truyền bệnh, đồng thời thực hiện các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Để duy trì và bảo vệ thành quả phòng chống sốt rét sau khi đã loại trừ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và cộng đồng.

Các chuyên gia cho biết bệnh sốt rét lây truyền từ người sang người qua ký chủ trung gian là muỗi. Người mắc có biểu hiện sốt cao, da xanh, niêm mạc mắt nhợt, gầy yếu. Khi bị muỗi đốt, các ký sinh trùng sốt rét đi vào máu đến gan và tăng lên gấp nhiều lần. Khi mắc sốt rét thể não có thể bị co giật hoặc hôn mê, nếu sốt rét thể thận sẽ gây suy thận... Trường hợp mắc bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ dẫn tới sốt rét ác tính và tử vong. Người chưa khỏi bệnh sẽ lây lan cho nhiều người khác do muỗi Anophen đốt khi hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Với hầu hết các ca bệnh nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%, do đó khi nghi ngờ mắc sốt rét thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám, lấy mẫu làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng và nhận điều trị bằng thuốc đặc hiệu.

Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác do muỗi gây ra. Đặc biệt, đối với những người đi lao động, học tập tại các khu vực có dịch sốt rét lưu hành, như các quốc gia châu Phi, các vùng rừng núi, cần sử dụng màn khi ngủ và đến cơ sở y tế để được cấp thuốc dự phòng trước khi đi. Khi trở về từ những khu vực này, cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát bệnh sốt rét nhằm phát hiện và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu mắc bệnh. 

Năm 2023, toàn cầu có 249 triệu trường hợp mắc sốt rét ở 85 quốc gia. Châu Phi vẫn là khu vực mắc sốt rét nặng nhất, ước tính có khoảng 233 triệu trường hợp, chiếm 94% toàn cầu. Nước ta trong 10 năm qua, số ca mắc và tử vong do sốt rét giảm dần qua các năm và đã giảm 35 lần.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo