Trong tuần qua, những sự kiện liên tiếp xảy ra trên nhiều sàn giao dịch Bitcoin (BTC) khiến dư luận thêm quan tâm nhiều hơn tới loại tiền ảo này.
Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới Mt.GOX tại Nhật Bản sụp đổ, tiếp đến là sàn Flexcoin ở Canada …cũng đóng cửa, hàng nghìn nhà đầu tư trắng tay và hoang mang trước tương lai của lại tiền kỹ thuật số này. Các cơ quan chức năng của các nước cũng đã bắt đầu “để mắt” tới Bitcoin. Mới đây nhất, chính phủ Nhật Bản đã thông báo quy định về việc đánh thuế giao dịch BTC và không coi đó là một loại tiền tệ.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có khuyến cáo rằng các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
NHNN cho rằng, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”, NHNN nêu rõ.
Tuy nhiên, giới “chơi” Bitcoin ở Việt Nam có vẻ như không thấy đó là một “vấn đề”, trong khi nhiều người chưa biết loại tiền ảo này là gì lại càng tò mò muốn nhảy vào cuộc chơi.
Gặp gỡ một số dân “chơi” BTC tại Hà Nội, khi hỏi họ thấy sao xung quanh những bất ổn của Bitcoin mang lại cho người đầu tư, mà những sự kiện gần đây nhất là ví dụ? nhiều người cho rằng không có vấn đề gì, các sàn giao dịch BTC khác vẫn hoạt động, và người có BTC vẫn có thể giao dịch được bình thường. Nhiều người còn khá nhiệt tình “truyền giáo”, thậm chí còn cho biết cặn kẽ về loại tiền ảo này, như Bitcoin là gì, cách giao dịch như thế nào, “đào” nó ra sao...
Quán cà phê Yolo càng thu hút khách nhờ có dịch vụ thanh toán Bitcoin.Ảnh:KN
Với ai chưa biết Bitcoin thì đừng nghĩ nó là một dạng tiền như đồng xu vẫn được minh họa trên các báo. Sở dĩ gọi nó là tiền ảo, hay tiền kỹ thuật số là vì nó chỉ là một đoạn mã lệnh, giao dịch qua các công cụ trực tuyến.
Sự ra đời của Bitcoin vào năm 2009 là nhờ ông Satochi Nakamoto, người Nhật Bản tạo ra. Tuy nhiên, sự tồn tại của ông Satochi Nakamoto cũng ảo không khác gì “đứa con” mà ông sinh ra. Cả thế giới hiện đang săn lùng ông. Mới đây nhất, trên Reuter đã đăng tải thông tin rằng tờ Newsweek đã phát hiện ra ông Satochi đang sống ở thành phố Temple, bang California. Tuy nhiên, đến giờ người này vẫn từ chối biết đến Bitcoin.
Nguyễn.T một người nắm giữ Bitcoin chia sẻ, anh mua BTC khi giá khoảng hơn 700 USD, và giờ thì vẫn để đó trong ví điện tử.
Muốn “chơi” Bitcoin trước hết phải có tài khoản. Đăng ký tài khoản cũng phải mất vài ngày, như sàn Mt.GOX chậm nhất, có khi là cả tháng mới được chấp nhận, còn sàn BitStamp thì nhanh hơn, chỉ mất khoảng 3-4 ngày.
Bitcoin giống như một cái mỏ có trữ lượng nhất định, bởi khi nó được tạo ra cũng có giới hạn là 21 triệu Bitcoin. Đó chính là lý do khiến Bitcoin trở nên khan hiếm.
Anh Ng.T cho biết thêm, hiện nay mua Bitcoin thì dễ, còn "đào" nó thì càng ngày độ khó càng tăng.
"Đào" Bitcoin có nghĩa là người “đào” phải giải vô vàn các thuật toán. Điều này cũng có nghĩa là chỉ dân sành về công nghệ mới có thể “đào”. Chiếc máy tính được coi là công cụ để “đào”, máy có cấu hình card đồ họa cao cấp, GPU (vi xử lý đồ họa) mạnh thì càng giúp sức cho thợ đào được nhiều hơn. Máy “đào” Bitcoin phải chạy liên tục không nghỉ.
Theo anh Nguyễn T., hiện giới chơi BTC cũng khá đông, nhiều diễn đàn về BTC cũng đang “rôm rả” về nó (tiền ảo).
Tham khảo trên một diễn đàn, một “phu đào mỏ” Bitcoin chia sẻ, muốn khai thác BTC thì cần phải sắm cho mình một bộ PC với cấu hình tương đối mà quan trọng nhất là nguồn công suất thực, card màn hình cao cấp và một đường Internet ổn định. Các máy tính tham gia “đào” Bitcoin sẽ phải cắm liên tục không ngừng nghỉ để từ đó Bitcoin được chi trả dựa trên hiệu năng hoạt động của máy với đơn vị tính là Work Unit (WU), hay còn gọi là “giờ công”.
Ví dụ: một card màn hình Radeon HD 4550 chỉ có thể kiếm được 0.023 WU/giờ, trong khi card cao cấp HD 6990 có thể “đào” 1.910WU/giờ.Mỗi WU kiếm được, các tài khoản sẽ được chi trả với một số Bitcoin tương ứng và với tỷ giá quy đổi hiện tại.
Sau khi có được những đồng tiền ảo Bitcoin, người dùng có thể sử dụng nó để quy đổi ra tiền thật, trao đổi hay thậm chí là thực hiện trực tiếp các giao dịch trên các website thương mại điện tử chấp nhận đồng tiền này, “phu đào mỏ” này cho biết thêm.
Anh Lê Quang Hưng, quản lý quán cà phê Yolo, trên đường Cao Bá Quát (Hà Nội), nơi đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, cho biết giao dịch Bitcoin cũng khá đơn giản.
Chỉ cần quét mã lệnh này vào máy...
Muốn giao dịch được loại tiền ảo này thì người dùng phải tạo tài khoản, bằng cách tải phần mềm ứng dụng Blockchain. Hiện, phần mềm giao dịch chủ yếu là cho máy điện thoại chạy hệ điều hành Android, còn loại dùng cho Iphone đã bị Apple khóa.
Gõ số tiền cần thanh toán, bấm phím gửi là xong một giao dịch Bitcoin.Ảnh KN
Anh Hưng cũng thực hiện một vài lệnh “demo” giao dịch thanh toán bằng Bitcoin. Quả thực thao tác rất dễ dàng, khi chỉ cần quét mã lệnh vào máy và gõ số tiền cần thanh toán và bấm lệnh gửi đi là xong.
Dù cũng biết NHNN khuyến cáo nhà đầu tư, người dân không nên nắm giữ, hoặc giao dịch liên quan tới BTC, nhưng theo anh Hưng, nếu có khách hàng nào thanh toán bằng loại tiền này thì Yolo cà phê vẫn chấp nhận. Nhiều người "chơi" Bitcoin cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm có cách để quản lý Bitcoin và chấp nhận nó như một số nước trên thế giới đã làm.
Bình luận (0)