Bên cạnh tính tiện ích chia sẻ dễ dàng thông tin, trên các trang mạng xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng phát tán thông tin, bí mật cá nhân nhằm thực hiện ý đồ bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Không khó ngăn chặn
Mới đây, vụ phát tán và cộng đồng mạng chia sẻ video cảnh quan hệ riêng tư đã đẩy một nữ sinh phải tự tử vì xấu hổ là sự việc đau lòng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ thông tin và một số chủ trang mạng xã hội, người dùng có thể dùng những giải pháp kỹ thuật để phòng chống và chặn những hành vi vi phạm này.
Khi phát hiện bài viết nói xấu, bôi nhọ người khác, bài viết có thông tin không chính xác hay hình ảnh xấu…, người dùng cần báo ngay cho đơn vị chủ quản trang mạng để nhanh chóng xử lý. Theo ông Lưu Thanh Phương, chủ diễn đàn 5giay.vn, người dùng có thể chọn một trong nhiều cách để hạn chế sự phát tán thông tin xấu.
Trước tiên là người dùng gọi trực tiếp cho người quản lý trang mạng qua số điện thoại hotline thông báo ID của bài viết, hình ảnh xấu hay gửi phản ánh kèm đường link bài viết qua địa chỉ email hỗ trợ của website yêu cầu ban quản trị trang mạng xử lý. Cách khác là sử dụng tính năng Report (báo cáo). Bên cạnh nội dung của các bài viết, thông tin, hình ảnh trên các trang mạng đều có nút Report, nếu phát hiện thông tin ảnh hưởng đến uy tín của mình, người dùng nhấn vào nút này và làm theo hướng dẫn để thông báo với chủ website.
Người dùng cũng có thể chọn mục Góp ý của mỗi website, viết một topic (chủ đề) phản ánh, mô tả nội dung, hình ảnh và đi kèm đường link của bài viết gây bất lợi.
“Ngay khi nhận được thông tin phản ánh của thành viên, đội ngũ quản lý website 5giay.vn sẽ xem xét, tìm hiểu và đánh giá về các nội dung phản ánh. Nếu sự việc đúng như phản ánh, ban quản trị sẽ tiến hành xóa bài viết, hình ảnh xấu, đồng thời khóa hay xóa vĩnh viễn tài khoản đã đăng tải bài viết xấu để tránh thông tin lan truyền, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” - ông Phương cho biết.
Đối với các thông tin, hình ảnh trên Facebook xúc phạm người khác, các chuyên gia cho rằng người dùng nhấn giữ vào thông tin, hình ảnh, “comment” đó, tính năng Report sẽ hiện ra và làm theo hướng dẫn để báo cáo Facebook xóa bỏ các thông tin xấu này. Khi phát hiện các Fan Page (trang yêu thích) giả mạo hay các tài khoản Facebook đăng tải thông tin xấu, người dùng cũng làm tương tự để báo với Facebook khóa, xóa bỏ các trang, tài khoản này. Khi người dùng bị tag (gắn) vào một bài viết hình ảnh xấu nào đó thì vào mục Cài đặt của Facebook, chọn Report hoặc Remove Tag (báo cáo/bỏ đánh dấu) những thông tin, hình ảnh này để tránh thông tin bị lan truyền.
Nâng cao ý thức người dùng
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của trang mạng, người dùng phải có ý thức và trách nhiệm đối với các thông tin, hình ảnh mà mình đưa lên hay nhìn thấy. Đối với trường hợp sở hữu thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác thì cần cân nhắc việc đưa lên mạng để tránh gây những hậu quả cho người khác. Với các thông tin, hình ảnh xấu, người dùng không chia sẻ mà nên dùng các biện pháp kỹ thuật như trên để ngăn chặn phát tán. “Để tránh bị mất cắp thông tin và bị kẻ xấu lợi dụng, người dùng không nên khai báo quá nhiều thông tin cá nhân cũng như chia sẻ hình ảnh nhạy cảm lên mạng. Nhiều cô gái hồn nhiên tung hình riêng tư lên mạng nên bị kẻ xấu dùng hình ảnh của mình để bôi nhọ vì hình ảnh trên internet lan rất nhanh” - ông Ngô Trần Vũ, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội An toàn thông tin VNISA phía Nam, cho biết.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó Giám đốc Công ty Emeral Digital Marketing, cho biết: “Chưa bao giờ vấn đề an toàn thông tin (ATTT) cá nhân lại trở nên bức xúc như hiện nay. Hết sức cấp thiết cần có Luật ATTT với các giải pháp kỹ thuật cụ thể để điều chỉnh và ngăn chặn hành vi vi phạm. Mặt khác, cần giáo dục, nâng cao ý thức của người dùng để ngăn chặn, phòng chống lan truyền các thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến người khác”.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn tất dự thảo Luật ATTT, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý có biện pháp kỹ thuật để xử lý các thông tin, hình ảnh xấu trên mạng, có phương thức để người tiếp nhận thông tin có quyền từ chối không tiếp tục nhận thông tin. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân, thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến thông tin cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết dự kiến vào đầu năm 2016, Quốc hội sẽ chính thức ban hành Luật ATTT.
Dùng quyền tố cáo để ngăn chặn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Cơ quan quản lý cần lập một đường dây nóng (điện thoại, trang web...) để người bị xâm phạm có thể khiếu nại, tố cáo kịp thời các hành vi vi phạm. Người dùng cần có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình, chỉ chia sẻ cho bạn bè tin tưởng. Nếu thông tin cá nhân bị tiết lộ, phát tán thì cần khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, xâm phạm thông tin cá nhân, quyền riêng tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân khác thì dùng quyền tố cáo của mình để cơ quan quản lý nhà nước xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm”.
Bình luận (0)