Nhu cầu mua hàng trên mạng tại Việt Nam trong vài năm gần đây tăng cao. Thế nhưng, theo một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến vẫn chưa phát triển do những bất cập về hành lang pháp lý (người dùng ngại khai báo thông tin), các chủ trang web bán hàng ngại tích hợp kỹ thuật, trả phí dịch vụ, đối soát cho nhiều công cụ thanh toán và thu tiền mặt khi giao hàng để khách hàng an tâm…
Chưa quen sử dụng
Anh Bùi Đình Bảo (TP HCM) ưu tư: “Mua một cuốn sách giá chỉ 50.000 đồng nhưng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tôi phải chịu thêm phí giao dịch các loại từ 5.000-10.000 đồng, chưa kể tiền phí vận chuyển, phải trả thêm khoảng 30%-50% giá trị của quyển sách nên cũng ngại mua trực tuyến”.
Thời gian gần đây, các sản phẩm nội dung số như các ứng dụng, game, sách điện tử cho thiết bị di động… đang rất thu hút tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và xuất bản nội dung số chỉ có thể thu tiền từ các khách hàng thông qua đầu số tin nhắn SMS hoặc thanh toán qua di động Online Charging của các hãng viễn thông. Phương thức này có ưu điểm là tiện lợi nhưng có nhiều nhược điểm khác như chi phí thanh toán cao, lên đến 60%. Việc này khiến các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khó kham nổi và người dùng cũng e ngại khi mua trực tuyến.
Kích thích, tạo uy tín
Theo ông Hà Ngọc Sơn, thành viên Chương trình Phát triển Thương mại điện tử TP HCM, để “kéo” người dùng mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến, trước tiên các doanh nghiệp (DN) phải bảo đảm uy tín. Thực tế cho thấy người tiêu dùng luôn lo ngại sẽ không nhận được sản phẩm như đã mô tả trên website nên họ yêu cầu DN phải giao hàng tận nơi mới trả tiền mặt. Một khi DN tạo uy tín, giao hàng đúng cam kết thì thanh toán trực tuyến sẽ là lựa chọn khả thi bởi khá tiện lợi.
Với những giao dịch giá trị thấp như thanh toán tiền điện, nước, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm… thì sử dụng ví điện tử được cho là giải pháp thanh toán phù hợp. Mô hình này giúp giải quyết được tâm lý e ngại của người tiêu dùng và giúp người mua lẫn người bán không cần phải mở quá nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Đặc biệt, hình thức này phù hợp cho nhu cầu thanh toán trực tuyến trực tiếp từ thiết bị di động và đã có rất nhiều đơn vị triển khai nhưng vẫn chưa thật sự phổ biến do rào cản pháp lý cũng như nhiều nhược điểm chưa liên thông, gây khó khăn cho người sử dụng.
Bà Lê Thị Thuột, Giám đốc kinh doanh Công ty Dịch vụ trực tuyến Việt Union (đơn vị sở hữu ví điện tử Payoo), cho biết: “Ví điện tử vẫn giới hạn người dùng có tài khoản ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (nạp tiền vào ví qua hệ thống ngân hàng). Số lượng lớn người dùng không có tài khoản ngân hàng sẽ không mở được tài khoản ví. Hiện nay, ví điện tử vẫn hoạt động dưới danh nghĩa giấy phép thử nghiệm của Ngân hàng Nhà nước nên chưa tạo tâm lý an tâm cho các bên tham gia. Theo bà Thuột, để kích thích người dùng, Payoo đã tích hợp hệ thống vào các kênh thanh toán của ngân hàng thành “cánh tay nối dài” của nhiều ngân hàng nhằm cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng; đồng thời phát triển mạng lưới đại lý các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, các điểm thanh toán…
Tiết kiệm 3%
Bà Nguyễn Thị Thùy Vũ, Giám đốc siêu thị trực tuyến Thế Giới Hoa Tươi, cho biết: “Tỉ lệ mua hoa trực tuyến 2 năm gần đây có tăng song chủ yếu người mua thanh toán bằng tiền mặt ngay khi nhận hàng hoặc chuyển khoản bằng thẻ ATM. Với những khách hàng đạt 3 lần giao dịch, khi chọn thanh toán trực tuyến, khách hàng sẽ không mất thêm phí mà còn giảm 3% giá sản phẩm do tiết kiệm chi phí quản lý. Tuy nhiên, hiện khách hàng nói chung vẫn chưa mạnh dạn thanh toán trực tiếp qua cổng thanh toán ngân hàng, ví điện tử dù không mất phí giao dịch”. |
Bình luận (0)