“Mạng nhện” quảng cáo "bẩn"
Việt Nam được xem là quốc gia có “dân số trực tuyến” lớn nhất tại khu vực ASEAN (Theo báo cáo về tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7-2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore). Báo cáo cho biết, Việt Nam có 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng Internet nhanh thứ 2 tại khu vực. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm đến 14%.
Con số trên cho thấy, Việt Nam là mảnh đất "phù sa" đầy màu mỡ cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến. Một trong những hoạt động mang lại doanh thu cao nhất là game, cũng cần phải biết rằng 42% người sử dụng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 15-24.
Thế là, cuộc đua của hàng loạt "ông lớn" trong giới truyền thông số diễn ra để có được càng nhiều người chơi càng tốt. Đương nhiên đó là việc một nhà phát hành game (NPH) cần làm. Công thức đưa ra là quảng bá tốt, thu hút được đông đảo người chơi và thu được nhiều tiền. Chất lượng game sẽ không là gì nếu không ai biết đến trò chơi đó. Để "đầu xuôi đuôi lọt", NPH đã làm đủ mọi chiêu trò để thu hút game thủ bằng quảng cáo. Và, khi đã "không từ thủ đoạn nào" thì không chỉ game thủ mà những người dùng bình thường cũng bị cuốn vào cái "mạng nhện" ấy.
Những hình ảnh quảng cáo game "bôi bẩn" thị giác người xem (Ảnh:playpark.vn).
Nguyễn Thu Lan (sinh viên đại học Hà Nội) phàn nàn: "Tôi chỉ đơn thuần vào một trang xem phim trực tuyến nhưng kết quả là có hàng loạt các cửa sổ Pop-up (một cửa sổ quảng cáo tự động nhảy lên khi truy cập vào một trang web nào đó - PV) hiện lên. Tôi cứ tắt được cái này thì cái khác lại xuất hiện, rất phiền phức. Chưa kể đến chuyện ở đó toàn những hình ảnh gợi dục, quảng cáo game gì mà như phim sex, tôi chẳng thể hiểu nổi".
Từ 1-9-2013 cấm game online kích động bạo lực, dâm ô
Riêng chế định game online, Nghị định 72 dành một chương cụ thể hóa các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này như: Các điều kiện cấp phép (phải đăng ký tên miền; có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động; không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, dung tục, kích thích dâm ô, trụy lạc...). |
Trên thực tế, hiện nay NPH không cần game thủ tìm đến mà tự mình đi kiếm game thủ bằng cách quảng cáo tràn lan. Họ liên kết với các trang xem phim trực tuyến hoặc dùng mạng xã hội để tiếp cận người dùng, kể cả những người không có nhu cầu chơi game.
Với hình thức gây tò mò, các quảng cáo này thường được thiết kế bắt mắt bằng những cô gái ăn mặc thiếu vải đến ... phản cảm. Nó "đập" vào mắt người dùng những hình ảnh động với những lời quảng cáo "Cực đỉnh cho dân chơi - Vào ngay" (để ở phần nhạy cảm trên người cô gái) hay "Em này cực chất - Vào xem"... Nhấp chuột vào quảng cáo đó sẽ hiện ra một trang game trực tuyến với lời quảng cáo "kích thích" hơn: "Webgame 4D hoành tráng cấp người lớn. Game kích thích thị giác, bạn nên chuẩn bị khăn giấy" (?!)...
Có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh nhân vật game mang nặng tính khiêu dâm đến việc mời người mẫu thực hiện cosplay game hở hang quá đà, chủ yếu khoe da, khoe thịt, thậm chí là cả mời diễn viên phim người lớn làm đại diện cho game mới. Quốc Hưng, thành viên của diễn đàn gamethu.net cho biết: "Bây giờ NPH chỉ chú trọng mời các hotgirl hay nhân vật của công chúng làm đại sứ hình ảnh, cô ấy phải có độ hot nhất định và càng gợi cảm càng tốt”.
"Ma trận" quảng cáo game Việt không chỉ dừng lại ở những quảng cáo như phim cấp 3 mà còn gây sốc bằng chính tên game. Họ dùng những cụm từ ẩn ý dung tục ví dụ như "Rồng lộn", "VKL", "CLGT"... gây phản cảm và phản ứng mạnh từ cộng đồng game thủ. Những chiêu trò này vừa khiến người dùng ác cảm với game online và với chính những game thủ.
Game ảo, tác động thật
Vì mục đích tăng doanh thu mà các NPH dễ dàng chấp nhận những kế hoạch marketing, quảng bá nào thỏa mãn được lượt xem và lượt truy cập, bất chấp nội dung của nó. Đây chính là lý do tại sao game Việt bị xem là một trong những nguyên nhân của bạo lực, hiếp dâm, tệ nạn xã hội. Lúc này, người chịu thiệt nhất sẽ là cộng đồng game thủ và người dùng Internet, đặc biệt là giới trẻ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, độc giả đếm không xuể những vụ giết người có liên quan đến yếu tố game online. Nghiện game nhưng hết tiền để "cày", Thân Đức Vịnh (SN 1995 ở Bắc Giang) đã giết bà. Theo cơ quan điều tra, sau khi gây án, y đi bộ sang huyện Phú Bình, Thái Nguyên bắt taxi lên TP Thái Nguyên rồi vào quán Internet chơi game đến sáng. Hay sự việc xảy ra vào ngày 17-8 ở TP Bắc Ninh, Nguyễn Đình Chương (SN 1997), sau khi chơi game xong đã khuya, thuê xe taxi từ TP Bắc Ninh về huyện Gia Bình. Khi xuống xe, không có tiền trả, Chương rút dao đâm chết tài xế rồi cướp điện thoại của nạn nhân bỏ trốn.
Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, TS Phan Quốc Việt, người sáng lập, chủ tịch HĐQT - Tâm Việt Group phân tích: "Môi trường xã hội, phim ảnh... là những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng bạo lực ở giới trẻ. Các em bị ảnh hưởng quá nhiều từ phim ảnh, thông tin. Mặc kệ bạn có thích hay không thì thông tin vẫn cứ tràn vào người bằng mọi cách. Khi xem những bộ phim hành động hay chơi game mang tính bạo lực, con người ta dễ nhập tâm và ghi nhớ nhiều hơn. Nhất là trẻ em, chúng thấy và dễ bắt chước theo hành động. Những hành vi trong phim ảnh, game online "nhập" vào đứa trẻ rất mạnh".
Ông cũng cho biết, những "tuyên truyền" mang tính bạo lực và khiêu dâm sẽ khiến cho những "năng lượng ác" bị phát tán trong xã hội nhiều hơn. "Người ta tiếp nhận những thông tin xấu và thường hay nghĩ xấu về nhau. Điều này dễ dẫn đến hành vi xấu, bạo lực của trẻ em. Trẻ em thiên về hành động hơn, ít suy nghĩ hơn, bắt chước hành động nhanh hơn!", TS Việt khẳng định.
Theo ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc của VNG, ngành game hiện nay đạt doanh thu trực tiếp là 6.000 tỉ đồng, và 20.000 tỉ doanh thu gián tiếp (từ các dịch vụ cà phê, kinh doanh máy tính, Internet, Mobile...). Ngoài ra, ngành game có tới 20 triệu khách hàng, 7.000 lao động trực tiếp và 100.000 lao động gián tiếp.
Với doanh thu như thế mà việc quản lý thực tế chỉ mới cho phép ít doanh nghiệp được kinh doanh, còn lại chưa có các quy định rõ ràng về nội dung trong công tác thẩm định game chứ chưa nói đến quản lý quảng cáo các game đó. Đây là một lỗ hổng quá lớn mà các cơ quan chức năng đang cố gắng khắc phục. Và, Nghị định quản lý game online mới được công bố hy vọng sẽ "quét sạch" những bãi rác game "bẩn" tại Việt Nam.
Bình luận (0)