Phương án tấn công kép
Tổng kết tình hình bảo mật và an ninh mạng trong 9 tháng đầu của năm 2010, hãng McAfee đưa ra một con số khiến thế giới mạng “giật mình” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo tường trình của McAfee, các phương thức tấn công được sử dụng chủ yếu hiện nay là SQL Injection, botnet, lỗ hổng phần mềm..., trong đó phương thức SQL Injection là phổ biến nhất. Trong phương thức này thì sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam là nước thực hiện các vụ tấn công mạng nhiều nhất hiện nay trên thế giới Theo McAfee, thời gian các vụ tấn công diễn ra rầm rộ nhất là trong lúc diễn ra sự kiện World Cup ở Nam Phi. Các hacker Việt Nam thường thực hiện phương án tấn công “kép” tổng hợp từ phương thức của các nhóm hacker Âu-Mỹ (thư giao dịch lừa đảo) và nhóm hacker Nga-Trung-Ấn (virus, trojan). Trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao này, hacker Việt Nam đã phát tán hàng tỉ thư rác chứa đựng các giao dịch mua bán liên quan đến mọi thứ có trong World Cup, trong email hoặc link có trong email giao dịch luôn luôn đính kèm virus hoặc trojan để khi máy nạn nhân “dính” phải thì hacker có thể tùy nghi thực hiện các ý đồ xấu.
Theo N., một hacker đã giải nghệ, việc Việt Nam đứng hạng cao trên thế giới về khả năng tấn công các nước khác là một điều... dễ hiểu. Cũng giống như Trung Quốc, Internet Việt Nam đang được phổ cập ngày càng rộng đến mọi tầng lớp, nhất là nhóm độ tuổi “teen” và hiện nay, công nghệ thông tin đang là một trong những ngành “hot” nhất trong chương trình đào tạo của các trường đại học nên hầu như ai chạm đến cái máy tính đều muốn làm... hacker. Nhiều nhóm hacker đi trước đã lập một số website để chia sẻ kinh nghiệm trở thành... hacker, thậm chí một nhóm hacker khá nổi tiếng của Việt Nam là HVA đã tung ra một CD liệt kê đủ “tuyệt chiêu” để giúp bất kỳ ai yêu thích đều có thể trở thành “sát thủ” trên thế giới mạng. Tuy nhiên, theo N., các vụ tấn công từ Việt Nam hay Trung Quốc so với Mỹ thì còn thua xa một trời một vực.
Việt Nam cũng bị hacker tấn công
Tháng 9 vừa rồi, trong bản tường trình của mình, bà Natalya Kaspersky, Chủ tịch Kaspersky Lab, cho biết sau Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ và Ấn Độ thì Việt Nam lại là nước bị tấn công dữ dội nhất hiện nay trên thế giới. Thực hiện một cuộc khảo sát với khoản 300 sinh viên tại các trường Khoa học Tự nhiên, Bách khoa và Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM, phần lớn các sinh viên đều không cập nhật thường xuyên các phần mềm chống virus trong máy, thậm chí 30% số người dùng laptop còn không cài bất kỳ công cụ diệt virus nào và 99% thừa nhận nếu có xài các phần mềm antivirus thì chỉ dùng bản trial (dùng thử, giới hạn tính năng hoặc số ngày sử dụng) hoặc bản crack (mở khóa).
Nhận định về hiện tượng này, các thành viên của một số diễn đàn công nghệ đã rút ra được một số đúc kết, trong đó điều quan trọng nhất khiến Việt Nam trở thành “bia” của hacker là do trình độ tin học của người dùng Việt Nam cũng như người dùng tại Nga, Ấn Độ hay Trung Quốc còn thấp (nên tấn công vào đây sẽ dễ “ăn” hơn), còn riêng người dân tại Hoa Kỳ bị tấn công nhiều chủ yếu vì thông tin thẻ tín dụng của họ.
Hãy tự bảo vệ mình
Theo nhiều chuyên gia , Việt Nam nâng cấp lại tường lửa quốc gia và các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng cần hợp tác với nhau để triển khai tường lửa bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, làm được việc này không dễ bởi nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn hạn chế. Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), nói Việt Nam cần được sự hỗ trợ từ các công ty bảo mật để giúp bảo vệ cho môi trường mạng. Trong thời gian chờ đợi các động thái từ cơ quan quản lý cấp cao, người dùng Việt Nam nên tự bảo vệ mình bằng cách cài đặt các công cụ antivirus và cập nhật thường xuyên để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận (0)