Nhật báo The New York Times dẫn lời nhà báo Nick Bilton thuật lại rằng khi còn sống, nhà sáng lập Apple Steve Jobs không cho con tiếp cận với iPad, smartphone hay thiết bị tương tự.
Trong các cuộc trò chuyện với những đại gia công nghệ hàng đầu khác, nhà báo Bilton nhận thấy khuynh hướng hạn chế trẻ con tiếp xúc với công nghệ hiện đại khá phổ biến. Evan Williams - một trong những người sáng lập mạng xã hội Twitter - cũng nói rằng trong nhà ông không có máy tính bảng và con cái được khuyến khích đọc sách in trên giấy. Cựu chủ bút tạp chí chuyên ngành công nghệ mới Wired là Chris Anderson có quy định bắt buộc cho 5 đứa con từ 6 đến 17 tuổi không được sở hữu riêng thiết bị có màn hình. Ông Anderson thừa nhận: “Tôi đã chứng kiến những hiểm nguy của công nghệ và cũng đã có kinh nghiệm cá nhân. Tôi không muốn điều đó ảnh hưởng lên con mình”.
Theo nhà báo Bilton, phần đông những ông bố ở Thung lũng Silicon giới hạn thời gian tiếp cận máy tính bảng hay điện thoại thông minh khoảng 30 phút/ngày. Một số khác chỉ cho con sử dụng máy móc đó vào ngày cuối tuần. Từ 10 tuổi trở lên, chúng được dùng máy tính nhưng chỉ để phục vụ việc học. Năm ngoái, nhà báo Mỹ Hana Rosin gặp gỡ những ông bố là nhà phát triển các phần mềm ứng dụng dành cho trẻ em và phát hiện rằng họ cũng chủ trương giống như vậy đối với con cái.
Khuynh hướng ít cho trẻ tiếp cận công nghệ mới còn được thể hiện ở chỗ nhiều nhà lãnh đạo và nhân viên của Google, Yahoo!, Apple và eBay gửi con đến học tại ngôi trường theo trường phái sư phạm Waldorf - vốn chống công nghệ hiện đại. Trong trường hoàn toàn không có máy tính và các thiết bị mới phục vụ giảng dạy; vẫn bảng đen, phấn trắng, chì màu. Khoảng 3/4 học sinh của trường có phụ huynh làm việc trong lĩnh vực công nghệ mới nhưng họ chấp nhận triết lý sư phạm của trường này là máy tính làm thui chột tính sáng tạo, hạn chế khả năng giao tiếp và sự tập trung của học sinh.
Bình luận (0)