Ngày càng có nhiều người dành nhiều giờ cho thiết bị di động khiến các chuyên gia tâm lý phải nghiên cứu khả năng thay đổi về tâm thần, đặc biệt là với trẻ em. Nhật báo Pháp Le Figaro chia sẻ quan điểm mới của vài tác giả được chú ý gần đây.
Trong quyển sách mới mang tên Tập phản kháng, GS Olivier Houdé - Giám đốc Phòng Thí nghiệm Tâm lý và Phát triển giáo dục trẻ em thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp và ĐH Sorbone - lo ngại khi não trẻ làm quen với tốc độ tự động hóa của các thiết bị công nghệ cao có thể phương hại đến khả năng tự chủ và tư duy. Trước diễn biến nhanh chóng trên màn hình, trẻ thường sử dụng phần vỏ não trước trán liên quan đến cảm xúc để ra quyết định thích nghi. Điều đó có thể gây hại cho chức năng khác của vùng não này để tư duy, nắm bắt, nhượng bộ và đặc biệt là để phản biện - vốn cần thiết cho sự vận động của não và giáo dục tâm lý trẻ em.
Trong một tiểu luận mới, triết gia Hervé Ficher cho rằng trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị internet tha hóa vì có khuynh hướng hình dung những diễn biến trên mạng xã hội giống như đời sống thực. Sự đồng hóa như vậy cũng có thể thấy ở người trưởng thành. Họ cảm nhận một cuộc sống mang tính xã hội cao vì thường xuyên trao đổi thông tin và bình luận với hàng trăm người khác trong lúc thực hiện cái tôi “ảo” của mình trên mạng. Sự trở lại với đời sống thực có thể gặp khó khăn, nhất là với những người bị thiệt thòi trong cuộc sống.
GS Susan Greenfield ở Anh nêu giả định sử dụng quá nhiều internet sẽ làm thay đổi bản sắc cá nhân. Bà viết trên tờ Daily Mail: “Đến nỗi trước một sự kiện, họ cho rằng sẽ không có thực nếu nó không được đưa lên Facebook, Bebo hay YouTube. Thêm vào đó, nét đặc trưng cá nhân ngày càng yếu dần do mỗi người đều cùng phô trương những hoạt động tương tự trên internet”.
Bình luận (0)