Dưới đây là lược dịch câu chuyện của phóng viên Vernon Silver từ Businessweek về việc ông trở thành một người buôn iPhone xách tay bất đắc dĩ:
Tôi đã thanh toán các hóa đơn bằng iPhone, không phải nhờ ứng dụng hoặc trên một website ngân hàng mà dùng chính chiếc iPhone như một thứ tiền tệ.
Giá bán trung bình của một chiếc iPhone 5S 16 GB tại Mỹ là 707 USD (cả thuế), theo thông tin từ Mobile Unlocked. Ảnh: Getty Image.
Câu chuyện bắt đầu một cách ngẫu nhiên hồi tháng 12, trong một chuyến đi công tác tới New York. Tôi sống ở Rome, nơi giá nhân công khá thấp trong khi đồ công nghệ lại siêu đắt. Một chiếc iPhone 5S 32 GB mở mạng màu vàng vốn có giá khoảng 815 USD (cả thuế) tại Mỹ được bán với giá 839 euro (tương đương 1.130 USD) tại Italy. Số tiền này tương đương với một tháng lương của một người làm nghề giặt ủi, đưa đón trẻ đến trường hoặc chăm sóc người già.
Khi một người công nhân nghe tin tôi sẽ đi Mỹ, chị ta chủ động nhờ tôi mua một chiếc iPhone, đổi lại chị ta sẽ làm một trong những công việc trên cho tôi trong một tháng. Xếp hàng bên trong cửa hàng Apple Store tại Fifth Avenue, tôi gặp hàng loạt những người mua khác nói đủ thứ tiếng trên toàn thế giới. Người bán hàng tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi biết tôi chỉ muốn mua một chiếc iPhone. Chỉ một chiếc?
Một đợt hàng iPhone 5S mới vừa được nhập về, anh ta cho biết, đồng thời nhấn mạnh màu vàng tôi vừa hỏi là màu phổ biến nhất tại châu Âu và cũng dễ bán lại nhất. Ở cạnh tôi, một người đàn ông với tấm thẻ tín dụng từ một ngân hàng Ả-rập đang cố gắng mua chiếc iPhone thứ 3 và thứ 4 trong ngày. “Bán cho tôi 2 chiếc” – tôi quyết định. Bước tiếp theo, nhân viên này dùng điện thoại cố định để kiểm tra số tài khoản của tôi với bộ phận chống gian lận ngân hàng. Bước ra khỏi cửa hàng, tôi vẫn không nghĩ rằng tôi đang mang một món hàng có thể trao đổi lấy sức lao động của người khác.
Những người lao động tại một số quốc gia nghèo hơn từ lâu đã phải gánh chịu hiện tượng chênh lệch lớn về giá của các mặt hàng sang trọng. Một vài năm trước, nhiều người châu Á sẵn sàng bỏ tiền máy bay để tới Paris và mang về những chiếc túi Louis Vuitton và Gucci về bán lại. Trong những năm 90, quần jean Levi đóng vai trò tương tự đối với người Mỹ tại Đông Âu. Ngày nay, iPhone – đặc biệt là iPhone 5S đóng vai trò đó.
Những nước có giá iPhone 5S cao nhất thế giới. Số liệu từ Bloomberg.
Kyle Wiens, CEO của nhà phân phối linh kiện iPhone là iFixit cho biết, ông quen một cơ sở lặn biển tại Cabo San Lucas, Mexico sẵn sàng cung cấp những chuyến lặn miễn phí mỗi khi ông trở về cùng với những chiếc iPhone bán với giá như tại Mỹ (giá iPhone tại Mexico cao hơn khoảng 16% so với Mỹ). Wiens cho biết, mỗi khi tới Trung Quốc để gặp các nhà cung cấp linh kiện, ông đều mang vài chiếc iPhone và iPad để bán với giá thấp như một cử chỉ thể hiện sự thiện chí.
Alexander Peterc, một nhà phân pích của Exane BNP Paribas chia sẻ, trong khoảng hơn một tháng sau khi iPhone 5S bán ra, những người từ các nước iPhone chưa được phát hành xếp hàng mỗi ngày tại Apple Store phố Regent (London, Anh). “Họ thậm chí có thể trả tiền vé máy bay mà vẫn có lãi nếu mua 2 chiếc iPhone và bán lại chúng ở Ấn Độ”, Peterc cho biết.
Theo bảng thống kê giá bán iphone tại 48 nước, thực hiện bởi Mobile Unlocked, phiên bản iPhone 5S bản 16 GB có giá khoảng 700 USD. Trong khi đó, để mua một sản phẩm tương tự tại Brazil, người dùng nước này phải bỏ ra khoảng 1.200 USD.
Vài ngày sau khi về nước, tôi đã đổi cả 2 chiếc iPhone với những công việc tương ứng với mức thù lao 815 USD. Người thứ 2 mua chiếc iPhone của tôi đã bán lại nó với đúng giá địa phương (1.130 USD) cho một người quen theo hình thức trả góp. Cô ta cho biết, chủ sở hữu mới của chiếc iPhone mới cũng có kế hoạch bán trả góp nó mà chi phí của người mua cuối cùng lên đến 1.350 USD.
Trong một chuyến công tác tới Los Angeles một vài tuần sau đó, tôi tiếp tục đi vào cửa hàng Apple Store khác. Khi tôi hỏi về việc mua một chiếc iPhone 5S mở mạng, câu trả lời tôi nhận được vẫn là “chỉ một thôi à?”.
Tôi không có một danh sách người đặt hàng trước, do đó tôi chỉ mua một chiếc. Tuy nhiên, khi trở lại Italy tôi vẫn nhanh chóng đổi lại chiếc iPhone đó với một lượng công việc nhà trị giá khoảng 600 euro.
Đến lúc này, tôi mới nhận ra: iPhone – không biết từ khi nào – đã trở thành một thứ tiền tệ quốc tế.
Bình luận (0)