xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Kẻ phá bĩnh" OTT đáng sợ hơn các nhà mạng nghĩ

Theo Hải Ninh (Vnreview)

OTT đã trở thành một vấn đề khẩn cấp đối với các nhà mạng: Người dùng hiện giờ sử dụng dịch vụ OTT bởi vì chúng miễn phí nhưng trong tương lai, người dùng sẽ sử dụng OTT bởi vì nó tốt hơn dịch vụ của nhà mạng.

Cho đến nay động thái ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone tăng giá cước dịch vụ 3G vẫn chưa hết ồn ào. Mặc cho các nhà mạng và cơ quan quản lý viễn thông khăng khăng họ tăng giá vì trước đó giá được bán dưới giá thành để thu hút khách, rằng giá cước 3G quá thấp so với khu vực, nhưng người tiêu dùng lại không nghĩ như vậy.
 
Nhiều người tin rằng nhà mạng đang phải dùng đến "hạ sách" tăng cước để đối phó với tình trạng thất thu do dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí qua Internet (OTT) ngày càng trở nên phổ biến. Từ những động thái của nhà mạng than vãn bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì OTT cho đến mới đây nhất, Bộ TT&TT chỉ thị các nhà mạng phải sớm trình ra gói cước OTT - tất cả đã chứng minh cho điều đó.

img

Mối đe dọa từ liên lạc OTT: lớn và khẩn cấp
 
Có hai loại dịch vụ OTT: dịch vụ nội dung được cung cấp qua kết nối di động băng rộng và dịch vụ liên lạc. Trong khi dịch vụ nội dung chỉ cạnh tranh với nhà mạng ở mức độ nhà mạng cũng nhảy vào cung cấp các dịch vụ nội dung thì dịch vụ liên lạc cạnh tranh trực tiếp với mảng kinh doanh cốt lõi của nhà mạng.
 
Các dịch vụ OTT liên lạc - thoại và nhắn tin – đã tồn tại từ lâu và thường tập trung vào cung cấp các cuộc gọi giá rẻ (thường là cuộc gọi quốc tế) như Skype. Cách đây một thập kỷ, các dịch vụ này đã từng khiến cho doanh thu của dịch vụ điện thoại cố định xói mòn, nhưng thúc đẩy sự phổ biến của Internet.
 
Ngày nay, thế giới di động cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự - người dùng chuyển từ gọi, nhắn tin điện thoại di động truyền thống sang gọi, nhắn tin qua Internet. Tình hình này càng tệ hại hơn trong ba năm qua khi người dùng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các thiết bị như smartphone, máy tính bảng để "ngốn" dữ liệu, thường là theo gói cước "không giới hạn".
 
Năm 2011, nhà phân tích Dario Talmesio của hãng nghiên cứu thị trường Informa Telecoms & Media nhận định các nhà mạng đang trở nên vô hình. Khi người dùng "ghiền" ứng dụng, các dịch vụ của nhà mạng bị chôn vùi phía sau màn hình của smartphone – nơi mà hầu hết hoạt động của người dùng diễn ra khi họ "chơi" với các ứng dụng smartphone.
 
Và thực tế đang chứng minh điều đó. Theo hãng phân tích công nghệ độc lập Ovum, đến năm 2016, các nhà mạng sẽ mất 54 tỷ USD doanh thu SMS do sự phổ biến của nhắn tin xã hội, cao hơn gấp đôi 23 tỷ USD họ dự đoán vào cuối năm 2012.
 
Còn hãng tư vấn Mỹ Arthur D. Little cho rằng tùy thuộc vào kịch bản, quy mô thị trường thoại di động OTT sẽ từ khoảng 14-100 tỷ USD vào năm 2016, chiếm từ 2-20% tổng doanh thu thoại di động.
 
Số lượng dịch vụ OTT liên lạc xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài những nhà cung cấp ứng dụng độc lập non trẻ như Viber, WhatsApp, Line, Nimbuzz... các đại gia công nghệ cũng đầu tư nhiều cho OTT tích hợp trong sản phẩm của mình, như Facebook, Google (Hangouts), Apple (iMessage, Facetime), BlackBerry (BBM)...
 
Điều nhiều người thắc mắc các dịch vụ OTT sống bằng gì khi đều cung cấp dưới dạng miễn phí đang dần sáng tỏ. Với số lượng người dùng lớn như Viber, WhatsApp, Line..., các nhà cung cấp dịch vụ OTT đã bắt đầu có thu từ quảng cáo, bán các biểu tượng emotions, thanh toán điện tử...
 
Song triển vọng đáng lo ngại hơn đối với các nhà mạng là OTT đang hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ gọi sang thoại thường với giá rẻ (hiện nay là gọi từ ứng dụng sang ứng dụng). Nếu điều này trở thành hiện thực, các nhà mạng sẽ trở nên vô hình đúng với nghĩa đen của nó.
 
Đối phó với OTT - vấn đề sống còn của nhà mạng
 
Với sự phổ biến của smartphone, các dịch vụ OTT miễn phí, mạng WiFi ở khắp nơi và doanh thu sụt giảm trông thấy, các nhà mạng đã phải thừa nhận mối đe dọa từ "đại hồng thủy" OTT. Họ than vãn OTT đã "trục lợi" từ mạng lưới, băng thông mà họ đã phải đầu tư một khoản tiền khổng lồ.
 
Rene Obermann, Giám đốc mạng Deutsche Telekom (Đức), trong một lần trả lời CNet đã mô tả mối quan hệ gai góc giữa OTT và nhà mạng như sau: "Chúng tôi đầu tư, họ kiếm lợi nhuận. Nhà mạng đầu tư tất cả và những kẻ khác lại khai thác miễn phí".
 
Lúng túng trước sự xuất hiện đột ngột "kẻ phá bĩnh" OTT, phản ứng đầu tiên của nhà mạng –  cho đến nay các nhà quan sát ghi nhận thấy nhiều nhà mạng áp dụng – là "bóp cổ" OTT.
 
Tại sự kiện MobileWorld Congress hồi đầu năm nay ở Tây Ban Nha, ông Talmon Marco, nhà sáng lập kiêm CEO người Israel của công ty Viber Media "tố" các nhà mạng di động truyền thống đã sử dụng nhiều chiến thuật, trong đó có chặn hoặc bóp dịch vụ của họ.
 
"Chặn Viber thực sự là rất dễ và mỗi nhà mạng đều biết điều đó. Chúng tôi không bị chặn ở Anh nhưng chúng tôi nhận thấy dịch vụ thường bị gián đoạn đặc biệt với nhà mạng Vodafone. Băng thông của chúng tôi bị hạn chế. Chúng tôi đã thúc giục Vodafone không được bóp cổ dịch vụ của chúng tôi", ông Marco nói với phóng viên báo Anh Guardian.
 
Việc chặn hoặc bóp băng thông dịch vụ OTT như trường hợp của Viber được ghi nhận phổ biến trên thế giới.
 
"Nhiều nhà mạng đã quyết định chống trả OTT liên lạc trực tiếp bằng cách ngăn chặn các thuê bao sử dụng liên lạc IP. Nhiều nhà mạng đang ra các gói cước với nhiều mức giá kết hợp cả mức độ sử dụng dịch vụ và kiểm soát ứng dụng (vừa hạn chế vừa "bóp cổ")", nhà phân tích Dario Talmesio của Informa viết.
 
Trong khi đó, việc ra gói cước OTT đơn giản hơn nhiều so với người dùng từng nghĩ. Nhiều người băn khoăn là hiện nay có quá nhiều dịch vụ OTT, không lẽ nhà mạng phải ra một gói cho Skype, một gói cho Viber, một gói cho Facetime, một gói cho Zalo...?
 
Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà mạng không phải ra từng gói cước cho từng ứng dụng OTT. Các nhà mạng chỉ cần ra một gói cước OTT nhưng với điều kiện là đồng thời có các giải pháp cho phép họ xác định chính xác lưu lượng nhắn tin/thoại qua IP trên mạng của mình để tạo ra các gói cước nhắm vào ứng dụng OTT nói chung; giải pháp đảm bảo lưu lượng nhắn tin/ thoại qua IP nhận được chất lượng dịch vụ đảm bảo để hạn chế tối thiểu độ trễ cao; và giải pháp ngăn chặn hoạt động nhắn tin/ thoại qua IP không được phép.
 
Tại Việt Nam, người dùng cũng đã phản ánh về tình trạng chập chờn khi sử dụng các ứng dụng OTT để gọi điện, nhắn tin. Dù nhà mạng luôn phủ nhận việc chặn, nhưng người dùng các dịch vụ như Line, Kakao Talk đã từng thấy những dấu hiệu bị chặn dịch vụ hồi đầu năm nay, khi mà các ứng dụng này vẫn hoạt động bình thường trên mạng WiFi, nhưng không thể gửi tin nhắn hay gọi điện khi dùng mạng 3G.
 
img
Hồi đầu năm nay, các dịch vụ OTT tại Việt Nam như Line, Kakao Talk có dấu hiệu bị nhà mạng chặn
 
Tuy nhiên, các nhà mạng - kể cả trong nước và trên thế giới – chưa có một nhà mạng nào công khai chặn dịch vụ OTT. Nguyên nhân là ngay lập tức họ sẽ bị "xử" vì tội lạm dụng độc quyền hạn chế cạnh tranh.
 
Ngoài việc đối đầu trực tiếp với OTT như nói ở trên, các nhà mạng đang tiến hành những chiến lược "thân thiện" hơn như ra gói cước "hội tụ", gồm số phút gọi, SMS, dung lượng dữ liệu để khuyến khích thuê bao gắn bó với "trọn gói"; tự phát triển hoặc liên kết với mạng khác phát triển ứng dụng OTT; thu thêm tiền cước (một số nhà mạng ở nước phát triển dự định thu cước cao đối với cước 4G) và tỏ ý hợp tác với OTT.
 
Về hình thức hợp tác giữa OTT và nhà mạng, trả lời phóng viên VnReview qua email, nhà phân tích Neha Dharia của Ovum cho biết: "Trong một số trường hợp, nhà mạng cung cấp gói cước tháng trong đó cho phép khách hàng truy cập các ứng dụng như WhatsApp, Viber... mà không cần đăng ký gói Internet băng rộng di động. Đây là giải pháp hiệu quả chi phí dành cho người dùng chỉ yêu cầu truy cập các ứng dụng này mà không cần các dịch vụ Internet di động khác. Một số trường hợp khác thì nhà mạng cung cấp gói roaming, cho phép khách hàng sử dụng không giới hạn các ứng dụng này trong khi cước roaming quốc tế vẫn duy trì. Gói này cũng là giải pháp hiệu quả chi phí vì khách hàng không phải trả tiền cước dữ liệu khổng lồ khi đang chuyển vùng".
 
Thái độ của các nhà quản lý viễn thông với OTT có sự khác biệt, tùy vào mỗi quốc gia, khu vực. Theo hãng Arthur D. Little, ở các quốc gia phát triển như Mỹ, EU và Nhật Bản, các nhà quản lý thực thi chính sách trung lập, thúc đẩy sự mở cửa và giảm thiểu sự phân biệt đối xử.
 
Ngược lại, ở một số nước kém phát triển hơn, lại phán quyết chống lại liên lạc thoại OTT. Chẳng hạn, ở Trung Đông, nhiều chính phủ đã chặn Skype. Gần đây, ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất mới bãi bỏ lệnh cấm sử dụng phần mềm thoại OTT.
 
Ở Trung Quốc, thoại qua Internet (máy tính tới điện thoại) được xếp vào dịch vụ thoại cơ bản do đó chỉ các nhà mạng lớn có giấy phép dịch vụ viễn thông cơ bản mới được phép cung cấp dịch vụ thoại qua Internet di động.
 
Đối phó với OTT kiểu Việt Nam
 
Như đã nói ở trên, ở Việt Nam người dùng đã trải nghiệm có những lúc dịch vụ OTT bị gián đoạn nhưng không ai có đủ bằng chứng khẳng định nhà mạng chặn OTT.
 
Các nhà mạng cũng đã áp dụng giải pháp tăng thu cước – cho dù viện dẫn lý do cước 3G Việt Nam bán rẻ dưới giá thành. Có điều là cước 3G đã tăng nhưng người dùng không được hưởng giá trị gia tăng nào, như tốc độ hay dung lượng tăng chẳng hạn.
 
Qua phát biểu công khai trên báo chí, cả nhà mạng và nhà cung cấp OTT đều tỏ ra rất sốt sắng nhưng đến nay vẫn chưa có hình thức hợp tác nào được hình thành. Mới đây nhất, qua tiết lộ của một nhà mạng thì lý do chính là nhà mạng thấy mình bị thiệt hơn trong mối quan hệ với OTT.
 
Cụ thể, các doanh nghiệp OTT muốn tiếp tục duy trì miễn phí tin nhắn, chỉ thu phí đối với những ứng dụng/nội dung được bán trên tin nhắn. Đôi bên sẽ ăn chia trên phần doanh thu này. Như vậy, rõ ràng là phần gọi điện OTT – nguyên nhân gây xói mòn đáng kể nguồn thu của nhà mạng - đã bị bỏ qua, và OTT coi nhà mạng chỉ là "một kênh bán hàng, một đại lý".
 
Về việc ra gói cước riêng cho OTT, Bộ TT&TT đang giục các nhà mạng trình lên Bộ. Bộ này cũng nêu thẳng quan điểm về dịch vụ OTT là "phải quản lý như dịch vụ viễn thông". Bởi dịch vụ gọi điện và nhắn tin miễn phí trên Internet là các dịch vụ viễn thông, bản chất là bảo đảm chuyển đổi tín hiệu âm thanh, hình ảnh và dạng khác của tín hiệu qua môi trường mạng viễn thông, do đó cần tuân thủ cơ chế chính sách quy định quản lý trong lĩnh vực viễn thông, các quy định pháp luật về viễn thông.
 
Chưa rõ nhà mạng sẽ thiết kế gói cước OTT như thế nào nhưng theo nhiều thông tin khác nhau, chúng tôi được biết một số OTT đã tính nước đối phó với gói cước OTT. Trên lý thuyết, việc quản lý lưu lượng dịch vụ OTT của nhà mạng rất đơn giản: bóp băng thông (với lưu lượng data OTT nhưng không đăng ký gói cước OTT) và chặn IP/ cổng web.
 
Trớ trêu là giải pháp này cũng có thể gây ra rủi ro pháp lý cho nhà mạng. Chẳng hạn, nhà cung cấp OTT qua mặt nhà mạng bằng cách chuyển lưu lượng OTT sang các cổng web bình thường – khi đó nội dung được truyền theo giao thức HTTP(s) được mã hóa - dẫn đến nhà mạng không thể phân biệt được đó là dịch vụ OTT hay nội dung số nào khác. Nếu không chặn, coi như nhà mạng đã thua OTT. Còn chặn, nhà mạng có thể đối mặt với kiện tụng lạm dụng độc quyền cản trở kinh doanh.
 
Một nhà cung cấp dịch vụ OTT cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng chia sẻ doanh thu với nhà mạng chừng nào họ thu phí người dùng. Song viễn cảnh này xem ra còn lâu mới xảy ra.
 
Trong một thập kỷ qua, các nhà mạng di động làm mưa làm gió trên thị trường, đánh bật điện thoại cố định ra khỏi thị trường. Và nay họ chính là nạn nhân của sự thành công của mình: bị OTT "bóc lột" mạng lưới mà chưa có cách nào đối phó khả thi.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo