Tầng tầng lớp lớp thách thức
Kể từ khi Tim Cook chính thức tiếp quản ngai vàng mà Jobs để lại hồi giữa tháng 8, sự kiện tối nay sẽ là màn thử lửa quan trọng đầu tiên của ông. Thách thức đặt ra không hề nhỏ chút nào: Con dế mới phải khiến người dùng "mắt chữ O, miệng chữ A" như mọi khi, với những phát minh và công nghệ mới nhất. Nó sẽ phải vừa dẫn trước đối thủ, vừa vượt lên chính mình. Phiên bản iPhone 4 vẫn là một bom tấn hạng nặng với hơn 20 triệu máy bán được chỉ trong quý III (khóa sổ vào ngày 25/6 vừa qua). Cứ đà này, iPhone 4 sắp giật được danh hiệu smartphone bán chạy nhất thế giới.
"Tin tốt là người dùng luôn coi sản phẩm của Apple là những món đồ không-thể-không-có. Điện thoại và thiết bị Apple gần như đã trở thành đồ dùng thiết yếu. Nhưng tin xấu là họ sẽ tuyệt đối không được làm người dùng thất vọng", chuyên gia Channing Smith bình luận. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh từ các đối thủ cũng ngày một nóng hơn. Theo thống kê, có tới hơn 550.000 thiết bị Android (tính cả máy tính bảng) được kích hoạt mỗi ngày trên phạm vi toàn cầu.
Thị phần hiện tại của iPhone tại Mỹ là 28%, đứng thứ hai sau Android với 43%. Tuy nhiên về lâu dài, giới đầu tư quan tâm hơn tới tình hình kinh doanh của Apple trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại châu Á. Cook từng nói Trung Quốc là một thị trường chủ chốt, vì thế bên cạnh việc chăm chút những sản phẩm cao cấp, Quả táo cũng sẽ cố gắng giới thiệu những mẫu điện thoại giá rẻ cho các thị trường mới nổi kiểu này.
Hơn nữa, dù là một tài năng về quản lý doanh nghiệp đã được công nhận, nhưng Tim Cook chưa bao giờ thể hiện quá nhiều trên cương vị "người diễn thuyết sản phẩm", một sứ mệnh mà Steve Jobs là bậc thầy số 1. Sự so sánh là khó tránh khỏi và áp lực đó hiển nhiên không dễ vượt qua chút nào. Sự kiện tối nay sẽ là sự kiện được cả thế giới công nghệ nín thở theo dõi. Một điểm mới là nó sẽ được tổ chức ở thung lũng Silicon, thay vì trung tâm San Francisco, nơi đặt đại bản doanh của Apple và từng chứng kiến nhiều lễ công bố sản phẩm rất nổi tiếng của Quả táo.
Điều thú vị là chưa ai biết chắc Tim Cook có trực tiếp thuyết trình hay không, và liệu Steve Jobs có tham dự hay không. "Vẫn còn quá sớm để ca ngợi Cook là một người của sân khấu như Jobs", chuyên gia Shaw Wu bình luận trên AP.
Đi tìm sự "Sexy"
Còn Wall Street Journal thì giật một dòng tít rất to: "Liệu iPhone có mang sự sexy trở lại?" với lời giải thích, khi phần lớn các đối thủ đều đã có thiết kế và giao diện na ná như sản phẩm của Apple, liệu iPhone mới có thể vượt qua được những giới hạn cũ về thiết kế và tiếp thị hay không.
Khi các tin đồn về việc có thể sẽ không có iPhone 5 nào hết mà thay vào đó là iPhone 4S, một phiên bản nâng cấp "gọi là" của iPhone 4, đang rộ lên thì câu hỏi trên lại càng đau đáu trong đầu giới đầu tư. Rất rõ ràng, những tính năng mà dư luận đồn đoán như camera 8 chấm, vi chip A5 lõi kép, hỗ trợ cả GSM lẫn CDMA đều chưa đủ để khiến người dùng bất ngờ hay ngỡ ngàng. Suốt 4 năm qua, sở dĩ Apple có thể thắng như chẻ tre một phần là vì iPhone luôn có thiết kế tươi mới và những tính năng phần mềm mà đối thủ không thể nào có được.
Trong khi đó, Droid Bionic của Motorola đã có camera 8 chấm và hỗ trợ mạng 4G từ lâu. Nếu chỉ dừng lại ở iPhone 4S, Apple sẽ đánh mất vị thế kẻ đi trước của mình. Hãng không có gì mới mẻ hay đột phá để buộc các đối thủ lẽo đẽo bám đuổi nữa.
Theo nhận định của chuyên gia Tim Bajarin, sẽ cực khó gây bất ngờ cho dư luận bằng thiết kế ở iPhone 5. "Chúng ta đã bắt đầu chạm ngưỡng các quy luật của vật lý. Bạn sẽ không thể vừa đột phá về thiết kế, vừa nhồi nhét thêm nhiều tính năng và chức năng được". Khi thiết kế bất lực, ấy là lúc phần mềm cần lên tiếng để tạo ra bản sắc riêng cho iPhone.
Tháng 6 vừa qua, Apple đã giới thiệu qua về hệ điều hành iOS 5 và các tính năng mới của nó, thí dụ như dịch vụ nhắn tin iMessage và dịch vụ đồng bộ hóa nhạc/lưu trữ không dây thông qua đám mây iCloud. Tuy nhiên những tính năng này cũng đã được nhiều nơi khác cung cấp, bao gồm RIM và Amazon.
Phong cách thiết kế của Apple vốn rất khác người. Hãng không bao giờ phỏng vấn người dùng để tìm hiểu khách hàng muốn gì ở thế hệ sản phẩm mới. Thay vào đó, Apple thách đố êkip thiết kế của họ phải tự hình dung xem sản phẩm có thể làm gì để thỏa mãn khách hàng. Cách tiếp cận này đã cho ra đời nhiều sản phẩm bom tấn như iPhone, iPad, iPad, nhưng cũng nhiều lúc đi chệch hướng và thất bại. Đơn cử như dòng máy tính Power Mac G4 Cube mà Apple giới thiệu năm 2001 với thiết kế khối vuông độc nhất vô nhị. Ngay trong năm đó, Apple đã phải "đóng băng" dự án này vì doanh thu èo uột.
Jeremiah Warren, một sinh viên điện ảnh tại Dallas tuyên bố sẽ mua iPhone mới ngay khi con dế này bày bán trên kệ. "Apple hút hồn tôi là nhờ "ma thuật" của thiết bị chứ không phải từ cấu hình kỹ thuật", Warren chia sẻ.
Bình luận (0)