Tại trung tâm vụ kiện, phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple, ông Phil Schiller, tiết lộ rằng từ khi iPhone ra mắt (2007) cho tới hết năm tài chính 2011, Apple đã tiêu 647 triệu USD cho việc quảng cáo iPhone tại Mỹ. Đối với iPad (ra mắt vào năm 2010), tổng chi phí quảng cáo là 457,2 triệu USD.
Phần lớn vụ kiện tập trung vào quá trình Apple nảy ra ý tưởng về iPhone và iPad. Apple đang cố gắng chứng minh rằng Samsung sao chép lại thiết kế của họ, trong khi Samsung minh họa cho bồi thẩm đoàn rằng sản phẩm của hai hãng khác hẳn nhau và Apple lấy cảm hứng từ sản phẩm của Sony.
Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Scott Forstall, phó chủ tịch cấp cao giám sát phần phần sử dụng trên các thiết bị di động của Apple, đứng ra làm chứng là vào tháng 01/2011, một nhà điều hành của Apple đã đưa ra ý tưởng phát triển máy tính bảng 7 inch. Apple liên tục tranh luận về sức hấp dẫn của thiết bị nhỏ hơn iPad 9,7 inch, mặc dù nhiều nguồn tin cho rằng công ty này đang phát triển một phiên bản nhỏ hơn.
Ông Forstall cho biết Eddy Cue, hiện nay là người giám sát các dịch vụ Internet của Apple, đã từng sử dụng máy tính bảng 7 inch của Samsung. Ông Cue đã gửi email cho Tổng Giám đốc Tim Cook, nói rằng : “Có thị trường dành cho tablet 7 inch và chúng ta nên làm một cái”.
Ông Forstall cũng khai rằng năm 2004, Apple đặt ra quy tắc bất thường về việc xây dựng một đội phát triển iPhone có tên gọi “Project Purple”. Theo lời của Forstall, cố đồng sáng lập Apple, Steve Jobs, nói rằng không thể thuê bất kỳ ai ngoài công ty để nghiên cứu giao diện người dùng, các nút và hình ảnh xuất hiện trên màn hình của iPhone, vì thế ông tìm kiếm “siêu sao” trong chính Apple để khởi động một dự án bí mật và ông cần sự trợ giúp. Và để tham gia đội làm việc này, mỗi thành viên sẽ đảm nhận công việc “vất vả nhất trong cuộc đời họ”.
Theo mô tả của ông Forstall, một tầng của trụ sở Apple được trang bị camera và thiết bị đọc thẻ để tăng cường an ninh, bảo vệ các thông tin mật liên quan đến dự án. Họ cũng có một biển hiệu với hai chữ "Fight Club" viết trên đó, mô phỏng lại một cuốn sách và một bộ phim mà trong đó các nhân vật được yêu cầu không tiết lộ với bất kỳ ai về công việc họ đang làm.
Ông trích dẫn rất nhiều thử thách trong quá trình nghiên cứu iPhone mà đội làm việc đã vấp phải: “Mỗi bộ phận của thiết bị phải được xây dựng lại để hoạt động với màn hình cảm ứng”.
Theo lời Forstall, đội này 1.000 người, và từng thành viên phải trực tiếp báo cáo công việc cho ông. Khi tổ chức các cuộc họp toàn thể nhân viên, ông nói rằng con số này có thể lên tới 2.000 người.
Forstall nói ông đã phát minh ra bằng sáng chế về việc nhấn đúp lên trang web để thay đổi kích thước văn bản. Khi sử dụng một nguyên mẫu iPhone để lướt web, Forstall nhận ra ông mất quá nhiều thời gian để phóng to và thu nhỏ trang web cho kích cỡ văn bản vừa vặn trên màn hình.
“Tôi nhận ra rằng mình đang có một thiết bị cực kỳ mạnh mẽ, tại sau nó không thể tự tìm ra kích thước phù hợp cho người dùng?”, Forstall nhớ lại. Vì thế, ông thách thức cả đội tạo ra một phần mềm tự động chỉnh kích thước văn bản vào trung tâm màn hình khi người dùng nhấn hai lần quanh trang web.
Đầu tuần trước, một tài liệu 99 trang đệ trình trong phiên tòa đã tiết lộ một số nguyên mẫu iPhone đầu tiên mà Apple đưa ra lựa chọn. Các tài liệu khác lại tiết lộ các thiết kế khác nhau của iPad, bao gồm cả việc Apple đã từng cân nhắc việc gắn thêm chân đế cho thiết bị.
Christopher Stringer, một nhà cựu thiết kế của Apple cho biết đội thiết kế thường làm việc quanh một cái bàn trong nhà bếp, biến các ý tưởng thành các bản phác thảo trên máy tính và thành mô hình 3D. Khi được hỏi Apple đã có được bản thiết kế cuối cùng của iPhone ra sao, ông Stringer nói: “Đó là thiết kế đẹp nhất của chúng tôi”.
Nhưng iPhone không được khởi động ngay sau đó. Ông Stringer cho biết thậm chí Steve Jobs đã từng nghi ngờ Apple không thể đưa ra bản thiết kế chưa ai từng thấy.
Ông Schiller, trong một phần khác của lời khai, tiết lộ về một cuộc khảo sát của Apple về người mua iPhone. Vấn đề nghiên cứu thị trường là một trong những sở thích đặc biệt của các nhà quan sát Apple. Một cuộc khảo sát mà Apple tiến hành hồi tháng 05/2011 được đưa ra làm bằng chứng. Tài liệu của Apple cho thấy, tại một số nước như Trung Quốc và Mỹ, niềm tin đối với nhãn hiệu của công ty là một nhân tố quan trọng khiến khách hàng quyết định mua sản phẩm hãng.
Ông Schiller cho biết các kết quả khảo sát được coi là bí mật thương mại quan trọng, vì không hề dễ dàng để một công ty có thể khảo sát về chính khách hàng của mình, lại càng khó khăn để khảo sát về khách hàng của đối thủ.
Một đại diện của Samsung đã chia sẻ một số chi tiết trong vụ kiện với các phóng viên, khiến Apple phải yêu cầu tòa án xử phạt Samsung. Hôm thứ Sáu vừa qua, thẩm phán Judge Koh từ chối yêu cầu của Apple, nhưng cũng nghiêm khắc chỉ trích đội ngũ pháp lý của Samsung.
Bình luận (0)