Mới đây, những khảo sát của các nhà khoa học tại ĐH Iowa (Mỹ) đã đo lường những điều liên quan đến triệu chứng “nomophobia” - sợ không có điện thoại.
Ảnh minh họa Internet.
Trang tin của kênh truyền hình Fox News dẫn lời chuyên gia tâm lý Caglar Yildirim nêu 4 khía cạnh có thể định lượng để chẩn đoán nomophobia: Mối lo ngại không thể liên lạc, lo mất kết nối, lo không thể tiếp cận thông tin và lo mất tiện nghi. Họ đã khảo sát trên 300 sinh viên tại ĐH Iowa với 20 câu hỏi về sự lo lắng khi không có điện thoại và kết luận: khi điểm số của 1 trong 4 khía cạnh nêu trên ở một người dùng cao thì điểm ở các khía cạnh khác cũng cao theo. Mối tương quan này khiến nhóm nghiên cứu khẳng định có thể đo lường khả năng tồn tại của bệnh lý monophobia.
Khảo sát nêu trên là một trong hàng loạt nghiên cứu tương tự trong thập niên qua nhằm phân tích sự lệ thuộc vào điện thoại di động. Hồi tháng 3-2015, một số nhà khoa học đã cảnh báo trên báo chí: Việc sử dụng thường xuyên smartphone có thể gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe tâm thần, đồng thời đề nghị các nhà sản xuất thiết bị nên có nhãn cảnh báo sản phẩm của họ có thể gây nghiện.
Một nghiên cứu của SecurEnvoy lấy mẫu trên 1.000 người trưởng thành ở Anh hồi năm 2013 cho thấy: Có đến 66% người bị chứng nomophobia và con số này đã tăng nhiều so với tỉ lệ 13% hồi năm 2008. Một nghiên cứu khác lấy mẫu trên 1.100 người dùng smartphone tại Mỹ của hãng Harris Interactive cho thấy: Họ vẫn sử dụng điện thoại khi quan hệ tình dục với 9%, trong các cuộc hẹn ăn tối 33%, trong lúc lái xe 55%, trong lúc tắm 12% và đang dự nghi thức tôn giáo 19%.
Tuy chứng nghiện smartphone không được Hội Tâm thần học Mỹ chính thức nhìn nhận là chứng bệnh rối loạn tâm thần nhưng nhiều chuyên gia khẳng định họ có đủ chuyên môn để chẩn đoán và chữa trị nomophobia.
Bình luận (0)