Cảnh sát San Francisco (Mỹ) đang thực hiện phương pháp mới nhằm làm nản lòng những người muốn mua iPhone trộm cắp: họ mặc thường phục đi qua một số tuyến phố nhất định, rao bán iPhone khẳng định vừa ăn cắp được và khi một ai đó muốn mua, ngay lập tức sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Apple cung cấp iPhone cho cảnh sát để làm nhiệm vụ. Ảnh: Gerry Smith
Tại San Francisco (Mỹ), một đội cảnh sát đặc biệt được lập nên từ 3 năm trước nhằm ngăn chặn nạn ăn cắp điện thoại. Trước đó, New York và thủ đô Washington cũng lập các đội điều tra đặc biệt như vậy.
Do có tới một nửa dân số San Francisco sở hữu iPhone nên nạn ăn cắp iPhone nói riêng đã trở thành một vấn đề vô cùng nhức nhối và liên quan mật thiết tới thị trường “chợ đen” toàn cầu. Theo cảnh sát, điện thoại bị đánh cắp thường được bán ra nước ngoài, thậm chí có thể bán với giá lên tới 1.000 USD tại những thị trường rải rác từ Hồng Kông tới Rio de Janeiro (Brazil). Hãng bảo mật di động Lookout ước tính tổng giá trị điện thoại bị ăn cắp tại Mỹ khoảng 30 tỉ USD/năm.
Gần một nửa vụ trộm, cướp năm 2012 tại San Francisco liên quan tới smartphone. Lần theo cảm biến GPS trong thiết bị, cảnh sát tìm tới Seventh and Market - nơi trao đổi, mua bán “chiến lợi phẩm”.
Với cảnh sát San Francisco, đánh sập thị trường này là mục tiêu hàng đầu. Ban đầu, đơn vị tập trung vào bắt giữ bọn tội phạm. Cảnh sát giả làm người đi xe buýt, đi tàu điện ngầm và dùng điện thoại một cách lơ đễnh để thu hút bọn tội phạm. Tuy nhiên, gần như không có “cá cắn câu”. Hiện tại, đơn vị theo đuổi chiến lược mới: bắt giữ người mua hàng ăn cắp. Mục tiêu của cảnh sát là lây truyền sự sợ hãi và lo lắng với những người mua hàng ăn cắp “tiềm năng”.
Đại úy Joe Garrity cho biết: “Nếu chúng đánh cắp điện thoại mà không thể bán được sẽ không có thị trường nào cả. Chúng tôi đang đánh dập đầu rắn”.
Phương pháp của cảnh sát San Francisco làm nảy sinh nhiều tranh cãi. Một chuyên gia cho rằng cảnh sát đang “tạo ra tội phạm hoặc cố gắng làm cho mọi người phạm tội”. Trong khi đó, số khác lại e ngại về tính hiệu quả của chiến thuật. Theo Luật sư George Gascon, sự thất bại của cảnh sát trong nỗ lực làm giảm nạn trộm cắp trong thành phố cũng giống như cuộc chiến ma túy: càng bắt giữ nhiều, tình hình dùng ma túy dường như càng tăng lên.
Tuy nhiên, cảnh sát có lý lẽ riêng bởi những người xuất hiện tại Seventh and Market không hề “ngây thơ”: Chúng là những người bán cấp đường phố, đóng mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối iPhone, iPad đánh cắp trên toàn cầu. Cảnh sát chìm đang thực hiện phương pháp tốt nhất có thể để chặn đứng làn sóng tội phạm hiện đại càn quét nước Mỹ.
Bình luận (0)