Có một nghịch lý trên thị trường iPhone hiện nay, đó là giá bán của iPhone 5 chính hãng đang ở mức cao hơn cả iPhone 5S.
Theo đó, iPhone 5 chính hãng đang được rao bán với giá 16 triệu đồng. Tính ra, giá bán của model này cao hơn giá iPhone 5S khóa mạng Viettel (15,8 triệu đồng) hoặc đi kèm gói cước trả sau của VinaPhone (15,6 triệu đồng). Ngay cả với iPhone 5S bản mở mạng hoặc trả trước từ nhà mạng, giá của iPhone 5 chính hãng cũng chỉ thấp hơn khoảng 500.000 đồng, đối với bản 16 GB (16 triệu so với 16,5 triệu đồng).
Qua bảng so sánh trên, có thể thấy giá của iPhone 5 quốc tế cả 2 bản 16 và 32 GB đều cao hơn so với iPhone 5S bản khóa mạng cùng dung lượng. Ảnh chụp màn hình website bán lẻ của Viettel Store.
Theo chia sẻ của đại diện một cửa hàng bán lẻ Viettel, sở dĩ có hiện tượng nói trên là vì iPhone 5 chính hãng hiện tại đều là hàng tồn kho, nhập về từ cách đây khá lâu. Thời điểm đó, giá đầu vào của sản phẩm cao nên nhà bán lẻ vẫn giữ nguyên giá. Hiện tại, số lượng iPhone 5 chính hãng cũng không còn nhiều trên thị trường.
Vị này còn cho biết, về cơ bản lượng iPhone 5 chính hãng đã bán hết tại các siêu thị lớn, chỉ còn lẻ tẻ ở một vài cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, khách hàng cũng không còn quan tâm đến sản phẩm iPhone 5 chính hãng, do giá bán thậm chí còn cao hơn cả 5S.
Trái ngược với hàng chính hãng, iPhone 5 xách tay lại đang tiêu thụ rất tốt. Hiện trên thị trường chủ yếu bán 2 dòng điện thoại iPhone 5 xách tay. Một chiếc iPhone 5 xách tay mới, chưa kích hoạt, có giá bán xấp xỉ 14,5 - 14,8 triệu đồng tùy cửa hàng. Trong khi đó, những chiếc iPhone 5 trôi bảo hành cũng đang rất được người dùng ưa chuộng, với mức giá thấp hơn khá nhiều (12,4 - 12,6 triệu đồng).
Qua trao đổi với một số cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay, cả 2 dòng iPhone này đều có doanh số tốt. Tính ra, iPhone 5 xách tay hiện bán chạy hơn nhiều so với các sản phẩm chạy Android cao cấp và chỉ thấp hơn đôi chút so với iPhone 5S.
iPhone 5 (phải) vẫn có doanh số không thua kém nhiều so với iPhone 5S tại Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dùng Việt Nam vẫn mặn mà với một sản phẩm đã bị Apple khai tử như iPhone 5. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến chính là nỗi thất vọng mang tên iPhone 5C. 5C được xem là sản phẩm thay thế iPhone 5 nhưng thiết kế vỏ nhựa của nó tỏ ra không hợp mắt người dùng Việt, những người luôn đánh giá rất cao thiết kế vỏ nhôm hoặc kính sang trọng của iPhone 5, 4S hoặc 4.
Trong khi đó, giá bán của iPhone 5C xách tay (khoảng gần 12 triệu) so với một chiếc iPhone 5 trôi bảo hành (hơn 12 triệu) không chênh lệch nhiều. Do vậy, việc người dùng chọn iPhone 5 là điều dễ hiểu.
Với một số người chưa thực sự hài lòng với iPhone 5S, họ cũng quay sang chọn iPhone 5 như một giải pháp tiết kiệm chi phí. Về bản chất, nâng cấp sáng giá nhất của iPhone 5S chính là tính năng nhận diện vân tay Touch ID. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần một chiếc smartphone có khả năng bảo mật cao đến vậy. Mặt khác, Touch ID hiện cũng mới chỉ được áp dụng cho việc mở khóa màn hình và truy cập kho ứng dụng App Store để mua ứng dụng, chưa mang đến nhiều hiệu quả thiết thực.
Cẩn trọng với iPhone 5 hàng 'dựng'
Chiêu trò bán những chiếc iPhone hàng tân trang, hàng "dựng" không phải là mới, bởi trước iPhone 5, các sản phẩm như 3GS, 4 hay 4S đều diễn ra tình trạng tương tự.
Hiện tại, nhiều cửa hàng tư nhân vẫn quảng cáo những chiếc iPhone 5 dạng tân trang có giá chỉ khoảng gần 12 triệu đồng với nội dung hàng mới 100%, chính hãng Apple, bảo hành 12 tháng, cộng thêm nhiều khuyến mại như cài đặt phần mềm miễn phí, tặng pin dự phòng trị giá cả triệu đồng...
Lời khuyên dành cho người dùng là bạn không nên ham những sản phẩm quá rẻ. Người dùng nên chọn những cửa hàng uy tín, có chính sách bảo hành hoặc đổi, trả hàng rõ ràng để quyền lợi được đảm bảo, tránh những sự cố đáng tiếc. |
Bình luận (0)