Thông tin trên được ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh Thanh tra Bộ TT-TT công bố tại hội nghị triển khai chương trình công tác thanh tra năm 2014 diễn ra sáng 24-12 tại Hà Nội.
Ba nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel bị tố có dịch vụ mập mờ - Ảnh: D.Đ.M
Các sai phạm trên được thanh tra Bộ TT-TT phát hiện qua đợt thanh tra diện rộng quản lý thuê bao trả trước được tiến hành từ 15-5 đến 30-8-2013 tại 3 doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần hàng đầu hiện nay gồm Vinaphone, MobiFone và Viettel.
Công ty VMS (MobiFone) được xác định là đơn vị có doanh thu “khủng” nhất từ việc ép khách hàng sử dụng ứng dụng SuperSIM và LiveInfo cài đặt sẵn trên sim của nhà mạng này. Các ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra.
MobiFone cũng được xác định đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) để cùng kinh doanh dịch vụ này. Theo Thanh tra Bộ TT-TT trong thời gian từ tháng 6-2012 đến 7-2013 MobiFone đã thu 150,57 tỉ đồng từ các ứng dụng nói trên. Cũng theo thanh tra Bộ TT-TT mặc dù đã phát hiện các thuê bao phát tán tin nhắn rác nhưng MobiFone vẫn không ngăn chặn, xử lý, thu hồi đối với các thuê bao này.
Tương tự ứng dụng IOD của Vinaphone được cài sẵn trên sim điện thoại đã mang lại cho nhà mạng này hơn 20,6 tỉ đồng từ tháng 6-2012 đến 6-2013. Vinaphone còn hợp tác với Công ty VASC (thuộc Tập đoàn VNPT) cung cấp trang http://10.1.10.50/wapmediav2 có chức năng cho phép nghe, xem, tải thông tin, dịch vụ và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không cho phép người dùng đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Doanh thu của trang này từ tháng 7-2012 đến 5-2013 là hơn 8,9 tỉ đồng. Viettel cũng có hành vi tương tự với dịch vụ Viettel Plus được tích hợp sẵn trên sim của mình. Tuy nhiên mức doanh thu của Viettel từ dịch vụ này chưa được thanh tra Bộ TT-TT công bố.
Bên cạnh đó các nhà mạng cũng đã “tích cực” thu hàng trăm triệu đồng từ các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp và kể cả tin nhắn không được cung cấp dịch vụ... từ các khách hàng của mình. Cơ quan chức năng đã yêu cầu MobiFone phải hoàn lại hơn 816 triệu đồng cho người sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn hơn 227,6 triệu đồng không thể hoàn lại do chủ thuê bao đã rời mạng. Tương tự Vinaphone cũng bị yêu cầu hoàn lại số tiền hơn 692,7 triệu đồng. Số tiền không thể hoàn lại do khách hàng rời mạng của Vinaphone là 76,8 triệu đồng.
Cũng trong đợt thanh tra trên cơ quan chức năng đã xử phạt gần 2 tỉ đồng, tịch thu gần 35.000 sim trả trước. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT-TT các sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực quản lý thuê bao trả trước chủ yếu liên quan đến việc đăng ký thông tin thuê bao. Nhiều trường hợp thông tin thuê bao không có thật, bị làm sai lệch, không có CMND hoặc CMND nhòe, chỉ có một mặt, bị chỉnh sửa, CMND bị ghép ảnh hàng loạt, thậm chí CMND dùng ảnh diễn viên, phong cảnh… vẫn được chấp nhận đăng ký. Thanh tra ngành đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 9,87 tỉ đồng, tịch thu 1,82 tỉ đồng.
Một tài khoản đăng ký cho hơn 18.000 thuê bao
Với gói cước sim sinh viên thì chỉ cửa hàng của Công ty VMS (MobiFone) mới có quyền kích hoạt và cho đăng ký, tuy nhiên Thanh tra Bộ TT-TT phát hiện có rất nhiều sim sinh viên có thông tin chủ thuê bao không chính xác, sử dụng CMND và thẻ sinh viên giả mạo.
Từ 1.6.2012 - 30.6.2013, tài khoản 1284725158 đã đăng ký thông tin cho hơn 18.000 thuê bao sinh viên, một tài khoản khác được phát hiện đăng ký cho 563 thuê bao sinh viên. Hàng loạt thuê bao có thông tin cá nhân giống nhau được đăng ký trong cùng ngày, chỉ thay đổi một chữ số trong số CMND. Thanh tra Bộ cũng cho biết MobiFone cũng chấp nhận giấy tờ không phải CMND, CMND hết hạn để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước.
Nhiều thuê bao họ tên không có thực, thậm chí sử dụng những từ phản cảm, tục tĩu vẫn được MobiFone chấp nhận cung cấp dịch vụ. |
Bình luận (0)