Cuộc tấn công nhằm vào hai trang của GitHub là GreatFire và cn-nytimes. Trong đó, GreatFire có các công cụ và phiên bản của các trang web bị cấm truy cập ở Trung Quốc. Còn cn-nytimes chứa nội dung trang tiếng Trung Quốc của báo The New York Times. Theo thông tin, cuộc tấn công được thực hiện bằng cách thay thế mã JavaScript trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc.
Người ta đoán rằng, chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ tấn công này, thậm chí có tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không phủ nhận tuyên bố trên trong một cuộc họp báo hôm 30-3.
"Điều rất kỳ lạ là mỗi lần có một website tại Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào bị tấn công, sẽ có những suy đoán hacker Trung Quốc đứng sau vụ việc", bà Hoa Xuân Oánh nói. "Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng Trung Quốc là một trong những nạn nhân chính của các vụ tấn công mạng".
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng, Trung Quốc hy vọng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đẩy mạnh việc thực thi các điều luật quốc tế và cùng giữ cho thế giới mạng bình yên, bảo mật, mở và hợp tác. Hy vọng tất cả các bên đều hợp tác xử lý các cuộc tấn công của hacker trên tinh thần tích cực và xây dựng".
Trong một công bố, trang GreatFire tin rằng các cuộc tấn công có liên quan và bắt nguồn từ chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, GitHub cho biết sau khi bị tấn công hệ thống của họ đã hoạt động trở lại, nhưng họ vẫn nêu cao tinh thần cảnh báo.
Hãng bảo mật F-Secure cho biết, cuộc tấn công này có thể có liên quan đến chính quyền Trung Quốc, vì các hacker của vụ này đã lôi kéo lưu lượng web lên mức cao trên cơ sở hạ tầng Internet. "Phải là một người nào đó có khả năng làm xáo trộn tất cả lưu lượng Internet đến từ Trung Quốc", Mikko Hypponen của F-Secure nói.
Cũng cần lưu ý rằng, gần đây Trung Quốc đã chấp nhận công khai việc họ có hẳn một đội quân hacker. Trung Quốc đã chặn GitHub một thời gian vào năm 2013 nhưng đã xóa bỏ lệnh ngăn chặn do sự phản đối của các nhà phát triển phần mềm trong nước.
Trong khi đó, hãng Baidu từ chối mọi liên quan với cuộc tấn công.
Bình luận (0)