Sáng 12-9, UBND TP HCM tổ chức họp báo thông tin về chương trình Đối thoại Hữu nghị TP HCM và Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2024.
Ông Lê Trường Duy – Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế, cho biết chương trình Đối thoại Hữu nghị TP HCM (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển" diễn ra trong hai ngày 23 đến 24-9.
Đến nay, đã có 36 đoàn địa phương, bộ, ngành và các cơ quan quốc tế đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Australia, Italia, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay xác nhận tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP HCM, thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…).
Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TP HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với thành phố...
Trong khuôn khổ FD 2024, Ban tổ chức sẽ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP HCM.
Diễn đàn Kinh tế thành TP HCM (Ho Chi Minh City Economic Forum - HEF) lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM" diễn ra ngay sau đó, từ ngày 24 đến 27-9.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), cho biết đã có 40 đoàn địa phương, bộ, ngành và cơ quan quốc tế xác nhận tham dự Diễn đàn.
"Chủ đề Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay tiếp tục kế thừa, phát huy chủ đề của các năm 2022, 2023. Theo đó, chuyển đổi công nghiệp là việc phải làm, là động lực cho phát triển và là động lực cho phát triển bền vững" – ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, chủ đề Diễn đàn kinh tế các năm 2022, 2023 mang tính chất định hướng còn năm nay đi sâu vào tổ chức triển khai để biến các định hướng đó thành hành động. Các hoạt động của diễn đàn năm nay đều hướng đến các nội dung cụ thể hóa là làm gì, học tập kinh nghiệm thế giới trong việc chuyển đổi công nghiệp để ứng dụng vào TP HCM.
"Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP HCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp" – ông Hòa thông tin.
Diễn đàn còn có các phiên thảo luận song song, phiên đối thoại chính sách… Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn, UBND TP HCM sẽ tổ chức lễ khánh thành và ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP HCM, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24-9-2024.
Bình luận (0)