Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị tại TP Cần Thơ cùng với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan về 3 "mũi nhọn" phát triển vùng ĐBSCL.
Hội nghị này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, tiếp sức kịp thời và truyền tải thông điệp: ĐBSCL phải trở thành cực tăng trưởng mới, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng GDP 8% năm 2025 của cả nước, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo.
Ba "mũi nhọn" chiến lược của ĐBSCL là thể chế quản trị mới theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết nối hạ tầng giao thông và nông nghiệp bền vững. Đây chính là đòn bẩy mới, mang tính kiến tạo cho sự phát triển toàn diện của vùng.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính đã tạo không gian phát triển đủ lớn, tiết kiệm ngân sách, đẩy mạnh liên kết vùng và mở đường cho chuyển đổi số sâu rộng. Hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Yêu cầu đặt ra trước tiên là tinh gọn bộ máy, rành mạch trong phân cấp, phân quyền và hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Bộ máy vận hành trơn tru, hoàn hảo là nền tảng để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và thực thi các chính sách phát triển.
Việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các tuyến cao tốc, tuyến ven biển và triển khai đường sắt kết nối TP HCM - Cần Thơ là một phần trong nỗ lực lớn nhằm xây dựng "khung xương sống" mới cho ĐBSCL. Những tuyến cao tốc đang dần hình thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, gắn kết nội vùng chặt chẽ và kết nối hiệu quả với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện để ĐBSCL hội nhập sâu hơn chuỗi giá trị quốc gia và khu vực.
Việc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp là bước tiến quan trọng. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là hình mẫu mới; là sự chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ cao, sử dụng tín dụng xanh, truy xuất nguồn gốc, gắn với xuất khẩu và thương hiệu gạo Việt.
Ba "mũi nhọn" mở lối cho tăng trưởng vùng ĐBSCL có mối quan hệ chặt chẽ. Có thể chế linh hoạt thì hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ và hiệu quả. Có hạ tầng tốt thì nông sản mới đến được thị trường lớn. Có mô hình nông nghiệp hiện đại thì người dân mới thật sự thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, sản xuất manh mún, thiếu liên kết.
Để 3 "mũi nhọn" này phát huy hiệu quả thực sự, vẫn còn nhiều thách thức mà các tỉnh, thành ĐBSCL phải vượt qua. Từ nay đến cuối năm 2025, để thực hiện được các mục tiêu phát triển vùng, ĐBSCL cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân các dự án hạ tầng chiến lược, đồng thời cải cách thủ tục hành chính liên quan. Hai là, cụ thể hóa đề án 1 triệu ha lúa bằng các chính sách tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị minh bạch, hiệu quả. Ba là, hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ cơ sở.
ĐBSCL đang chuyển mình, những mô hình sản xuất mới đang hình thành, cơ chế mới đang vận hành, con đường phát triển đang rộng mở. Khi 3 "mũi nhọn" phát triển cùng nhịp, ĐBSCL sẽ không còn là "vùng trũng" mà trở thành cực tăng trưởng xanh, năng động và bền vững của quốc gia.

Bình luận (0)