Chiều 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão số 3.
Nhanh chóng ổn định tình hình
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đến Thái Bình, Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đến Hòa Bình và các tỉnh khu vực miền núi. Căn cứ tình hình cụ thể, các Phó Thủ tướng khác sẽ tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo ở địa phương.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc. Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu sớm ổn định tình hình, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.
"Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại nặng nề, do đó phải bàn với tinh thần khẩn trương; tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão lũ; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh" - Thủ tướng yêu cầu.
Nhấn mạnh hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lũ, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng nêu rõ 5 mục tiêu sắp tới cần các các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện.
Thứ nhất: Tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Thứ hai: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Thứ ba: Khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân.
Thứ tư: Thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Thứ năm: Ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách liên quan việc ăn ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân. "Đặc biệt, các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu phương án cho vay, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh. Các cơ quan chức năng nghiên cứu miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí… với người dân và doanh nghiệp.
Kêu gọi tinh thần tương thân tương ái
Để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trước mắt, Trung ương chi hỗ trợ khoảng 200 tỉ đồng cho 2 tỉnh, thành thiệt hại nặng là Quảng Ninh và Hải Phòng. Riêng Sơn La và Điện Biên được hỗ trợ mỗi địa phương 10 tỉ đồng.
Tại cuộc họp với 26 địa phương sáng 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi người dân, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại. "Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Rà soát các chung cư cũ ở Hải Phòng
Chiều tối 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra, đánh giá tình hình phòng chống và công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại TP Hải Phòng.
Kiểm tra khu tập thể A7 - được xây dựng từ những năm 1960 ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, Thủ tướng biểu dương thành phố đã di dời toàn bộ người dân sinh sống trong khu tập thể tới nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 3, các tòa nhà ở khu tập thể A7 bị nghiêng nứt, có nguy cơ đổ sập. Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng tiếp tục bố trí nơi ở cho người dân, kiên quyết không để người dân về sinh sống ở các tòa nhà này; nghiên cứu bố trí nơi an cư cho người dân cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu TP Hải Phòng rà soát các chung cư cũ trên toàn địa bàn, cương quyết di dời người dân từ các nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn, mất vệ sinh... tới nơi ở mới an toàn, với chính sách mua hoặc thuê mua, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tuân thủ pháp luật về nhà ở, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bình luận (0)