Ngày 26-11, Giải đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 chính thức khởi tranh với 46 đội tham gia ở 2 đường đua 1.000m nữ và 1.200m nam.
Năm nay, mặc dù tổ chức ở quy mô cấp tỉnh nhưng giải đua đã thu hút hơn 4.000 vận động viên từ 46 đội đến từ Cà Mau, Bạc Liêu, TP Cần Thơ và Sóc Trăng.
Đại biểu tham gia buổi lễ khai mạc
Trong đó, có 40 đội ghe ngo nam và 6 đội ghe ngo nữ, thi đấu theo hình thức chia bảng, đấu vòng tròn một lượt, để chọn ra các đội đi tiếp vào vòng thi đấu giành huy chương.
Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân ở Sóc Trăng và du khách đã có mặt ở khán đài đua ghe ngo TP Sóc Trăng để chọn vị trí thuận lợi nhất nhằm chiêm ngưỡng, cổ vũ cho các đội đua.
Ông Thạch Thanh Nhã (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ rằng huyện Long Phú năm nay tham gia 3 ghe. "Tôi thấy năm nay ban tổ chức chuẩn bị rất là chu đáo, lễ hội rất vui tươi. Nhân dịp này, xin chúc các đội ghe tham gia nhiệt tình và gặt hái được nhiều thành công. Hy vọng, Long Phú sẽ lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất của giải lần này" – ông Nhã bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc phát biểu khai mạc giải đua ghe ngo năm 2023
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh giải đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được mong chờ nhất trong năm.
Tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ kinh phí cho các đội đua
Đây cũng là niềm tự hào về văn hóa của tỉnh Sóc Trăng khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2022.
"Ban tổ chức mong muốn các đội ghe ngo, vận động viên nêu cao tinh thần thể thao trong sáng, đoàn kết, vui tươi. Đồng thời, đề nghị tổ trọng tài làm việc công tâm, góp phần thúc đẩy giải đua thành công" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị.
Các đội đua bắt đầu tham gia tranh tài ở 2 nội dung cho cả nam và nữ
Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ cho một số địa phương đóng mới ghe ngo với kinh phí 400 triệu đồng/ghe. Qua đó, góp phần động viên tinh thần thi đấu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Đông đảo bà con đến xem và cổ vũ cho giải đấu
Dịp này, ban tổ chức cũng đã gửi tặng kinh phí hỗ trợ cho các đội đua ghe ngo là 30 triệu đồng/đội.
Giải đua sẽ diễn ra trong 2 ngày. Trong đó vòng đấu bảng diễn ra vào ngày 26-11, các trận đấu loại trực tiếp tranh huy chương sẽ diễn ra vào ngày 27-11.
Ý nghĩa việc đua ghe ngo
Đua ghe ngo là phần hấp dẫn nhất trong Lễ hội Oóc Om Bóc. Đây là 1 trong 3 lễ hội lớn của người Khmer bên cạnh Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước này thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hộ cho người dân mùa màng bội thu.
Theo dân gian, chiếc ghe ngo (còn gọi là Tuk Ngo) đã xuất hiện ở đồng bằng từ lâu đời. Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi.
Ghe ngo được làm giống hình con rắn dài khoảng từ 25 - 30m, ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu ghe được uốn cong lên như hình đầu rắn, đuôi ghe hay gọi là sau lái được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu.
Ngo ngày xưa là 1 chiếc thuyền độc mộc, làm từ 1 thân cây khoét ruột. Ngày nay, việc tìm thân cây sao vừa to vừa dài để đóng ghe rất khó khăn nên người Khmer làm ghe ngo bằng cách ghép những mảnh ván với nhau. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 - 60 người ngồi bơi và chỉ huy.
Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo giữ vai trò, vị trí quan trọng, là tài sản quý giá và thiêng liêng, là bộ mặt của một ngôi chùa và bổn sóc. Vì vậy mỗi khi đến lễ hội, ban quản trị chùa và bà con Phật tử rất hào hứng tham gia.
Người Khmer tin rằng trong quá trình thi đấu, chiếc ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng.
Bình luận (0)