Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2023, nước ta có hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT, tương ứng tỉ lệ bao phủ 93,35% dân số. Hiện nay, Việt Nam có hai hình thức BHYT, bao gồm BHYT bắt buộc và BHYT thương mại.
BHYT bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng.
Ở hình thức BHYT này, một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị …
Còn BHYT thương mại là sản phẩm của các công ty bảo hiểm, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế phù hợp với mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo điều kiện và nhu cầu của người đó.
Năm 2021 có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm sức khỏe chiếm khoảng 4%, tổng doanh thu là khoảng 116.404 tỉ đồng. Dự kiến đến năm 2025 có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu ước đạt 151.325 tỉ đồng.
Hiện nay, giữa BHYT do nhà nước thực hiện và BHYT thương mại chưa có sự liên kết dẫn đến mức đóng BHYT chưa linh hoạt, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của từng đối tượng, từ đó chưa hình thành bảo hiểm đa tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trên cơ sở đó, tại Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đã đề xuất chính sách BHYT bổ sung. BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định. Trong đó, việc tham gia BHYT bắt buộc là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Nếu đề xuất được thông qua, người tham gia BHYT bổ sung được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT bắt buộc khi đi khám chữa bệnh. Phạm vi được hưởng BHYT bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của BHYT bắt buộc, người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Đơn cử, BHYT bổ sung sẽ chi trả cho các dịch vụ như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám - chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh… Tổ chức cung cấp BHYT bổ sung sẽ được cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dữ liệu về tình trạng của bệnh nhân, chi phí sử dụng dịch vụ y tế liên quan phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, không được có quy định loại trừ người dân (chỉ ký hợp đồng với người khỏe). Tất cả người đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tham gia BHYT bổ sung…
Bộ Y tế và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5-2024.
Bình luận (0)