Ngày 29-7, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các sở chuyên môn, các công ty thủy điện theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Mỗi giờ một trận động đất
Trong ngày 29-7, tính đến 17 giờ, tỉnh Kon Tum ghi nhận có thêm 25 trận động đất với các cường độ khác nhau.
Trước đó, ngày 28-7, tại khu vực huyện Kon Plông đã xảy ra 21 trận động đất, trong đó trận động đất có độ Richter lớn nhất là 5.0, xảy ra vào trưa, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Trận động đất này khiến một số người dân ở nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên cho biết cũng cảm nhận được tình trạng rung lắc.
Như vậy, 2 ngày qua, tại tỉnh Kon Tum xảy ra 46 trận động đất, bình quân mỗi giờ xảy ra một trận. Đây là điều chưa từng xảy ra số lượng trận động đất trong thời gian ngắn nhiều như vậy ở Kon Plông.
Xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông được xem là vùng tâm chấn của động đất. Một ngày sau khi xảy ra trận động đất 5.0 độ Richter, ông Nguyễn Văn Lai (thôn Vi Rin) nhớ lại: "Lúc trận động đất này xảy ra, tôi cảm thấy mặt đất chao đảo, nhà cửa rung lắc mạnh, bàn ghế xê dịch. Sau khoảng 20 giây, mọi thứ trở lại bình thường". Ông Lai cho biết người dân rất lo lắng vì không biết động đất tiếp diễn thế nào trong những ngày tới.
Theo UBND huyện Kon Plông, các trận động đất vừa qua không có thiệt hại về người nhưng ít nhiều gây thiệt hại về tài sản. Trong đó, điểm trường THCS và Trạm Y tế xã Đăk Ring bị rạn nứt các vách ngăn tường. Tại xã Đăk Nên có điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã xuất hiện vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Ngoài ra, một số nhà dân bị hư hỏng tài sản.
Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3.9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4-2021 đến nay, hàng trăm trận động đất xảy ra. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra 170 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0.
Động đất kích thích
Theo người dân, từ khi trên địa bàn xây dựng các công trình thủy điện thì động đất xảy ra ngày càng nhiều, độ lớn tăng. Do đó, nghi ngờ nguyên nhân xảy ra động đất là do các thủy điện tích nước.
Huyện Kon Plông là nơi được quy hoạch nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ. Hiện trên địa bàn có 6 công trình thủy điện, trong đó 3 công trình thủy điện có hồ chứa là Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Đrinh và Thủy điện Đăk Re.
Ngày 29-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về trận động đất có độ lớn 5.0 ở Kon Plông, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - cho biết đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được ở khu vực này. Trận động đất này đạt ngưỡng độ lớn trung bình, hiện các địa phương kiểm tra đánh giá thiệt hại.
TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất. Các trận động đất xảy ra vừa qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước.
TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo hoạt động động đất ở khu vực Kon Plông vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có thể lớn hơn 5.5 độ. Vì thế, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.
Để phòng ngừa rủi ro, UBND huyện Kon Plông cũng đã làm việc với Viện Vật lý địa cầu, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức những lớp tập huấn để hướng dẫn cán bộ, người dân, học sinh… cách ứng phó khi xảy ra động đất. Qua đó, người dân biết được cách ứng phó sẽ phần nào bớt lo lắng khi có động đất. Huyện cũng đã chủ động xây dựng các phương án để ứng phó, khắc phục sau những trận động đất.
Làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 29-7 ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng, về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất. Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để có biện pháp chỉ đạo ứng phó.
B.T.Q
Các thủy điện theo dõi chặt dư chấn động đất
Sau khi xảy ra trận động đất độ lớn 5.0, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đề nghị 3 thủy điện gồm: Thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh, Đăk Re theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và Cứu hộ cứu nạn huyện Kon Plông, xác nhận hiện các thủy điện đã lắp đặt 11 trạm quan trắc để đo các độ rung chấn.
Bình luận (0)