Theo kế hoạch, hôm nay (4-1) tại TP HCM sẽ diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận 47-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Những yếu tố then chốt
Theo các chuyên gia, đề án xây dựng TTTC quốc tế TP HCM được thông qua là một bước đi chiến lược, kịp thời nhằm nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
TS Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên tài chính của Đại học RMIT Việt Nam, cho biết Singapore phải mất đến 30 năm để trở thành một TTTC hàng đầu và giữ phong độ đến nay. Do vậy, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cơ hội và cả thách thức trong việc thành lập TTTC. "Sự suy giảm của TTTC Hồng Kông (Trung Quốc) hay xung đột Nga - Ukraine có thể phân khúc hệ thống thanh toán toàn cầu, với sự gia tăng vai trò của tiền điện tử trong khu vực tư nhân và tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành" - TS Nguyễn Tuấn Anh nói và cho rằng Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để biến TTTC thành hiện thực, tiếp bước phát triển của các nước châu Á phát triển (Singapore, Nhật, Hàn Quốc).
TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP HCM, phân tích ở Singapore, tỉ trọng dịch vụ và công nghiệp cũng tương tự TP HCM. Họ rất mạnh về công nghệ sinh học, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin. Với TP HCM, gần đây, nhiều ý kiến lo ngại tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng GRDP của thành phố sụt giảm. Tuy nhiên, sụt giảm chưa hẳn là tín hiệu kém sáng nếu công nghiệp TP HCM chuyển hướng sang công nghệ cao. "TTTC của Singapore thời điểm bắt đầu cũng rất khó khăn, vì tài chính thường liên quan đến niềm tin - nhà đầu tư nước ngoài phải tin tưởng mới sẵn sàng đến, rót vốn đầu tư. Do đó, tham khảo và tìm kiếm mô hình phù hợp cho TTTC quốc tế là quan trọng, Singapore sau giai đoạn khó khăn cũng đã thu hút rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu tới" - TS Hồ Hoàng Anh nói.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, TTTC quốc tế có vai trò quan trọng như bệ phóng cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa. Một môi trường kinh doanh thuận lợi cùng chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ giúp các DN dễ dàng thu hút nguồn vốn quốc tế, phát triển ý tưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh mà không gặp nhiều trở ngại. Trung tâm này cũng mở ra cơ hội để DN Việt Nam niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế, qua đó vươn ra thị trường toàn cầu.
Riêng với TP HCM, việc xây dựng một TTTC quốc tế hiệu quả sẽ giúp DN trong nước không phải tìm đến Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ… để sử dụng dịch vụ tài chính quốc tế, mà sẵn sàng quay về hoạt động ngay tại "sân nhà".
3 vấn đề then chốt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-1, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh 3 vấn đề then chốt cần lưu ý trong quá trình triển khai TTTC.
Trước hết, cần xác định cách tiếp cận phù hợp đối với chính sách tự do hóa tài khoản vốn. Việc này đòi hỏi một đánh giá toàn diện về ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro tiềm ẩn và biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả. Tiếp theo là vấn đề liên quan đến khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ - một yếu tố quan trọng để bảo đảm tính linh hoạt và hội nhập của TTTC trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ông cũng lưu ý mô hình của một TTTC quốc tế không chỉ dừng lại ở những tòa cao ốc hay trụ sở của các tổ chức tài chính theo cách truyền thống. Giao dịch tài chính hiện nay và trong tương lai chủ yếu diễn ra dưới hình thức số hóa và điện tử, vì vậy việc thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất cần được tính toán kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu về tính hiện đại và hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, nhấn mạnh mô hình TTTC quốc tế không thể thiếu 3 cấu phần quan trọng: thị trường tiền tệ (bao gồm hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán), hệ thống fintech (tài chính công nghệ) và thị trường hàng hóa phái sinh. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng hành lang pháp lý cho lĩnh vực fintech và thị trường hàng hóa phái sinh hiện vẫn còn thiếu. Để phát triển 2 lĩnh vực này, cần phải có cơ chế thí điểm (sandbox) nhằm thử nghiệm các chính sách, từ đó đánh giá hiệu quả và rủi ro trước khi áp dụng rộng rãi. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trong các lĩnh vực tài chính hiện đại.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh để TTTC quốc tế TP HCM đạt được cơ chế vượt trội, cần các chính sách tạo đột phá ở tầm quốc gia. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm thiết lập khung pháp lý, môi trường đầu tư và các cơ chế vận hành hiệu quả.
Ngoài ra, yếu tố then chốt là phát triển mạnh mẽ thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh - 2 lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự năng động và cạnh tranh của TTTC. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các thị trường này sẽ không chỉ góp phần tăng cường sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh ngoài cơ sở hạ tầng vật chất, TTTC quốc tế còn phải phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính. Phải có hệ thống hữu hiệu để phòng chống gian lận và tham nhũng tài chính; phát hiện các hành vi giao dịch không lành mạnh và các loại tội phạm tài chính khác. Một TTTC quốc tế thu hút được nhiều nhà đầu tư hay không, phụ thuộc lớn vào việc thanh toán và chuyển đổi ngoại tệ cần diễn ra nhanh chóng, giao dịch cổ phiếu trong ngày, nhà đầu tư nước ngoài cần được ký quỹ khi mua cổ phiếu...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1
Bài học từ Ấn Độ
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, dẫn mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế GIFT City - thành phố thông minh đầu tiên của Ấn Độ và là nơi đặt Trung tâm Dịch vụ tài chính quốc tế (IFSC) duy nhất của nước này.
Trung tâm do các công ty tài chính và công nghệ thông tin quốc tế cung cấp hệ sinh thái lý tưởng cho cả DN trong nước và quốc tế; đồng thời cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính xuyên biên giới trong môi trường thuế cạnh tranh.
GIFT City được hình thành như là một trung tâm tài chính và công nghệ cao, với mục tiêu trở thành trung tâm khu vực chỉ sau Dubai và Singapore. Dựa trên kinh nghiệm phát triển GIFT City và IFSC, ông Thướng cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng các bài học đã được đúc kết.
L.Thúy
Bình luận (0)