Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết tỉnh đã tái cấu trúc ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm - những lợi thế riêng của tỉnh.
Ngành điều triển vọng vươn xa
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước, địa phương này được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Đến nay, Bình Phước có hơn 152.000 ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm - chiếm gần 50% diện tích và sản lượng cả nước. Trong đó, diện tích trồng điều của đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 50.000 ha.
"Nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp và doanh nghiệp nắm bắt được tình hình, áp dụng khoa học công nghệ nên điều cho năng suất rất cao" - ông Đạt cho biết.
Bình Phước còn là nơi sản xuất - kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Tỉnh cũng được xem là trung tâm chế biến điều số 1 thế giới, với công suất 500.000 tấn điều thô/năm.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư Shangdong Haohua Tire
Chế biến điều là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của Bình Phước, mỗi năm đóng góp 27%-45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỉ USD. Sản phẩm hạt điều chế biến tại tỉnh này xuất đi hơn 50 quốc gia, chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới.
Ông Đạt cho rằng tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành điều thời gian qua. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu gần 2,2 triệu tấn điều thô, tăng 34,32% và xuất khẩu điều nhân tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Dù gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả khi xuất nhập khẩu có chiều hướng tăng so với cùng kỳ, nhất là sản xuất, chế biến sâu sản phẩm hạt điều.
Theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty CP Chế biến điều Hoàng Sơn 1 ở huyện Bù Đăng, hạt điều Bình Phước được các khách hàng châu Âu rất ưa chuộng sau khi có chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm hạt điều Bình Phước tốt nhất thế giới và bán chạy nên nông dân yên tâm trồng cây, chăm sóc. Ông Huyên khẳng định dù giá thành hạt điều Việt Nam cao hơn các nước nhưng ông vẫn ưu tiên "người Việt dùng hàng Việt" vì dễ chế biến và ít vỡ.
Ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước - thông tin tỉnh này là địa phương duy nhất trong nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều. Toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Việc này giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường điều, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới và phát triển bền vững.
Theo ông Duy, hạt điều Bình Phước được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý là thế mạnh để phát triển thị trường trong nước và địa phương. Ông tin tưởng từ sự chung tay hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp và nông dân, ngành điều ngày càng có triển vọng vươn cao và xa hơn trên thị trường thế giới.
Bà Trần Tuệ Hiền cho biết chế biến hạt điều là một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp ở Bình Phước đầu tư máy móc hiện đại. Sản phẩm được chế biến chuyên sâu theo phương châm "hạt điều tại Bình Phước được thu mua và chế biến để đưa đến bữa ăn người tiêu dùng".
Cao su: Cây công nghiệp mũi nhọn
Bên cạnh cây điều, Bình Phước là địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất nước với hơn 247.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 300.000 tấn/năm.
Hiện nay, mủ cao su của Bình Phước chủ yếu chỉ qua công đoạn sơ chế rồi xuất khẩu, chưa có dự án chế biến sâu sản phẩm. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi thu hút các dự án sản xuất săm lốp ô tô, linh kiện trong ngành ô tô có sử dụng nguyên liệu từ mủ cao su; sản phẩm từ mủ cao su phục vụ tiêu dùng; dự án có công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại.
Ông Ngô Đình Khả hướng dẫn nhân viên phân loại hạt điều tại một phân xưởng của nhà máy
Mới đây, Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam cho nhà đầu tư Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua, với tổng vốn 500 triệu USD. Đây là dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn.
Nhà máy Sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam sẽ xây dựng tại KCN Minh Hưng Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản trên tổng diện tích thuê đất 43 ha. Nhà đầu tư dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị cho hệ thống dây chuyền sản xuất vào quý I/2024.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, khi nhà máy này hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài. Mỗi năm, nhà máy có công suất sản xuất 2,4 triệu bộ lốp xe tải radial toàn thép không săm và 12 triệu bộ lốp radial bán thép, giá trị sản lượng dự kiến đạt 770 triệu USD.
Sau khi Nhà máy Sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam đi vào hoạt động - theo kế hoạch vào quý III/2025, tổng sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp dự kiến khoảng 120.420,7 tấn/năm, nguyên liệu tại Việt Nam và được nhập từ Trung Quốc. Trong đó, sản lượng cao su Việt Nam được tiêu thụ khoảng 96.506 tấn/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giúp gia tăng doanh thu ngành cao su Bình Phước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh đây là quyết tâm chính trị và nỗ lực rất cao của tỉnh cũng như các nhà đầu tư hạ tầng, đặc biệt là Công ty CP Công nghiệp Minh Hưng Sikico - chủ đầu tư Khu Công nghiệp Minh Hưng Sikico, trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo thế mạnh cho ngành cao su địa phương.
Bà Trần Tuệ Hiền bày tỏ mong muốn Shandong Haohua Tire tiếp tục chủ động, tích cực triển khai kế hoạch đầu tư, sớm khởi công xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động, bảo đảm đúng quy định pháp luật Việt Nam. "Bình Phước cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Tỉnh sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật để dự án sớm đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao nhất" - bà khẳng định.
Theo bà Trần Tuệ Hiền, cao su đang trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của Bình Phước. Ngành cao su không chỉ đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của tỉnh; cũng như mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, đối ngoại với các nước bạn Lào và Campuchia.
Đoàn kết, linh hoạt vượt khó
Là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều lớn ở tỉnh Bình Phước, ông Ngô Đình Khả, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Ngô Hoàng Thư, cho biết công ty ông hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với năng lực sản xuất, chế biến khá quy mô, công ty đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.
"Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tình hình thế giới nên ngành điều nói chung và công ty chúng tôi nói riêng cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp cũng như sự linh hoạt trong sản xuất - kinh doanh, công ty đã từng bước vượt qua mọi khó khăn. Hiện nay, chúng tôi xuất khẩu số lượng lớn các loại hạt điều sang nhiều nước. Song song đó, công ty còn chế biến thêm các loại hạt điều rang muối, hạt điều mật ong... để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước" - ông Khả thông tin.
Bình luận (0)