Ngày 25-10, thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh cho biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến vừa ký văn bản chỉ đạo về việc nghiêm cấm khai thác thuỷ sản, cũng như tổ chức các hoạt động mua bán, tiêu thụ thuỷ sản có nguồn gốc trong hồ Dầu Tiếng từ ngày 26-10 đến hết ngày 26-11.
Sở dĩ có văn bản này là do từ ngày 26 đến ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng, thuộc huyện Dương Minh Châu nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản; bảo vệ môi trường nước; ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân khai thác thuỷ sản.
Người dân nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng
Để bảo vệ nguồn cá giống mới thả, giúp cá giống có thời gian phát triển và di chuyển ra vùng nước xa hơn nhằm phát huy hiệu quả của việc thả cá giống, UBND tỉnh Tây Ninh giao các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam và các cơ quan thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Chỉ đạo UBND các xã ven hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La kiểm tra, rà soát số lượng phương tiện đang tham gia khai thác thuỷ sản trên địa bàn; vận động người dân ký cam kết không khai thác thuỷ sản trong thời gian cấm đánh bắt.
Cấm tuyệt đối các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, kiểm tra, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển thuỷ sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng.
"Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật"- Văn bản nêu.
Hồ Dầu Tiếng được biết đến là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây ngoài việc cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho miền Đông Nam Bộ, nước sinh hoạt cho người dân TP HCM và các vùng lân cận, thì còn là nơi sinh kế bằng nghề đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng bè của người dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.
Bình luận (0)