Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại về đất đai.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc
Cụ thể, các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải chặt chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng trình tự, thủ tục như thông báo trước kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm điếm; cập nhật kịp thời thông tin thửa đất thu hồi khi có thay đổi về chủ sử dụng đất; đo đạc, xác định loại đất thu hồi… tránh trường hợp bị Tòa án hành chính xét xử hủy quyết định hành chính.
Việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải cân nhắc, tính toán đồng bộ toàn diện các chính sách hỗ trợ về ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân có đất bị thu hồi lớn, gần hết hoặc hết đất sản xuất.
Các đơn vị cũng được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác hòa giải ở cấp cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, gây ảnh hưởng đến dư luận.
Thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai nhất là vai trò của người đứng đầu của UBND các cấp; thực hiện việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp và chịu trách nhiệm về giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trực tiếp tiếp công dân, không ủy quyền cho cấp phó, cấp phòng chuyên môn thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã, huyện; xử lý triệt để tình trạng bao chiếm đất công, canh tác sử dụng đất rừng sai mục đích, để đất hoang hóa diễn ra thường xuyên gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phải đảm bảo xử lý nhanh chóng, kịp thời tránh để các hộ dân lấn chiếm đã hình thành tài sản có giá trị trên đất… kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức phụ trách tham mưu giải quyết kê khai, đăng ký cấp giấy đất. Theo đó, phải đảm bảo đúng trình tự thủ tục quy định, như kiểm tra hiện trạng thực tế, đối chiếu với hồ sơ địa chính … không để xảy ra tình trạng cấp nhầm, cấp trùng thửa, sai vị trí, không đúng diện tích, không đúng nguồn gốc đất dẫn đến khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Các địa phương, ngành sẽ bị xử lý trách nhiệm khi ban hành, tham mưu quyết định hành chính có lỗi sai do chủ quan dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, gây tổn thất ngân sách, thời gian, niềm tin của người dân với chính quyền…
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, phải thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với các quyết định hành chính về đất đai vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất theo quy định.
Ngoài ra, đẩy nhanh số hóa công tác lưu trữ hồ sơ đất đai hoàn chỉnh, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ quản lý, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới; chấn chỉnh việc thực hiện chưa nghiêm Luật hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND, Nghị quyết và Kế hoạch giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Theo ghi nhận, thời gian qua Tây Ninh là một trong những điểm nóng về tình trạng "sốt" đất, hồ sơ đất đai tại địa phương này tăng đột biến qua các năm. Giai đoạn từ năm 2021-2023, tăng trên 200%, chỉ tính riêng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành tài nguyên- môi trường đã tiếp nhận trên 835.000 hồ sơ.
Bình luận (0)