Theo báo cáo, giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh Đồng Tháp huy động được hơn 18.117 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến khoảng 32.823 tỉ đồng); vận động tốt nguồn lực xã hội hóa; việc xây dựng cầu, đường nông thôn được thực hiện đồng bộ; Nhân dân đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình trong xây dựng nông thôn mới; hệ thống cơ chế, chính sách cơ bản đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đến nay, toàn tỉnh có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 9 huyện nông thôn mới, 1 huyện đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Mới đây, tại buổi làm việc giám sát chuyên đề về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 – 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp", ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp - đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ; làm tốt việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực; giải ngân, giải quyết tốt vướng mắc trong các công trình đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đồng thời rà soát, nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh cơ chế sử dụng nguồn đóng góp của xã hội linh hoạt hơn; nâng cao nhận thức của người dân trong giai đoạn mới.
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy mục tiêu đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng; tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỉ đồng.
Về xã hội, tốc độ tăng trưởng dân số bình quân đạt khoảng 0,6 - 1,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65%. Chỉ tiêu phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,75. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,32%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đạt mức dưới 1,2%.
Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn: mầm non 75%, tiểu học 70%, trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 90%. Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 32 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 12 người.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận (0)