Nằm sát cửa biển Cửa Đại (thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từng là một phần của thương cảng Hội An sầm uất ngày xưa. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, An Lương bây giờ tách ra nằm bên kia sông Thu Bồn - dòng nước phân chia địa giới hành chính giữa Duy Xuyên và Hội An. Tại An Lương có dòng họ Phạm Văn nổi tiếng với truyền thống giữ biển.
"Báu vật" gần 200 năm
Kính cẩn thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, anh em ông Phạm Văn Ca, Phạm Văn Hùng cung kính hạ cuốn gia phả và hai bức sắc phong được lưu giữ cẩn trọng tại từ đường xuống đưa chúng tôi xem. Suốt gần 200 năm, hai bức sắc phong được dòng tộc xem như báu vật, truyền nhau lưu giữ từ đời này sang đời khác. Tỉ mẩn lần giở từng bức bằng lụa cuộn trong tấm giấy đã úa màu thời gian, ông Hùng cho biết: Thỉ tổ dòng họ Phạm Văn là ngài Phạm Đại Lang. Năm 1694, ngài đến lập nghiệp tại vùng đất xã An Lương, tổng An Thạnh, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là thôn An Lương). Từ đó, con cháu đời nối đời sinh sống bằng nghề đi biển. Đáng chú ý, dòng họ Phạm Văn có đến 3 người xuất sắc từng giữ chức quan trọng trong quân đội dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Trong đó, hai người thống lĩnh lực lượng hải quân bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ghi chép trong gia phả của tộc Phạm Văn, thời vua Gia Long, ông Phạm Văn Đường giữ chức Hoàng triều Đô úy phó quản cơ là chức võ tướng chỉ huy quân đội bảo vệ nội thành. Con trai ông Đường là Phạm Văn Cục nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp và giữ chức Thủy sư Chưởng vệ, chỉ huy 3 đội quân thuộc thủy quân. Một tiền nhân khác của dòng họ là ông Phạm Văn Trận được giao chức Thủy soái chưởng vệ tam tứ ngũ đẳng đại tướng quân, chỉ huy lực lượng thủy quân cả nước. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hốt (vợ ông Đường) được phong là Đệ tam đẳng phu nhân.
Hai bức sắc phong mà gia tộc Phạm Văn lưu giữ là hai tấm lụa vàng hình chữ nhật dài gần 1 m, rộng 37 cm, có thêu hình rồng, phượng bao quanh, được triều đình ban tặng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1841). Dù đã gần 200 năm trôi qua nhưng những nét chữ cùng dấu triện đỏ in trên bức sắc phong vẫn còn nguyên vẹn.
Bức sắc phong thứ nhất dành cho vị Thủy sư Chưởng vệ Phạm Văn Cục, người có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, tận trung với triều đình. Sắc phong ca ngợi lòng trung thành, quả cảm, mưu lược của vị tướng thủy quân trong các trận chiến với quân thù. Trong sắc phong, nhà vua không quên đề cập đến tấm gương của người cha là ông Phạm Văn Đường đã có công dạy dỗ, huấn luyện cho đất nước một nhân tài kiệt xuất. Sắc phong có câu: "Hiển dương chi nguyện, mệnh danh bất hủ trường lưu", nghĩa là nguyện ước của ông thành hiện thực, tên tuổi ông sẽ trường tồn với non sông đất nước.
Bản sắc phong thứ hai vua ban tặng cho bà Nguyễn Thị Hốt. Vua khen ngợi Đệ tam đẳng phu nhân Nguyễn Thị Hốt là người phụ nữ đoan chính, đảm đang, hết lòng lo cho gia đình để chồng thăng quan tiến tước, nuôi dưỡng, dạy dỗ con ăn học thành tài, tiếp tục nối nghiệp cha cống hiến cho đất nước. Trong đó, câu cuối cùng vua ghi: "Đức thục trường lưu bất hủ chi danh", ý nói đức độ, thục hạnh của bà sẽ lưu danh vĩnh cửu.
Dù trong hai bức sắc phong không nhắc đến nhưng có một người của dòng họ Phạm Văn giữ đến chức Thủy soái chưởng vệ đại tướng quân, thống lĩnh toàn bộ thủy quân triều Nguyễn, đó là danh tướng Phạm Văn Trận. Ông Trận là con cháu đời sau của cụ Cục, được triều đình tin dùng, thống suất toàn bộ lực lượng thủy binh. Theo lời kể của những bậc cao niên đời trước truyền lại thì cụ Phạm Văn Cục và cụ Phạm Văn Trận là những vị tướng tài ba thao lược, từng chỉ huy các hải đội ra tuần lý vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Hằng năm, những vị tướng này đều phải báo cáo triều đình về các chuyến hải tuần. Trai đinh làng biển Duy Hải ngày ấy gia nhập đội thủy quân triều Nguyễn rất đông. Phần lớn họ là dân đi biển lành nghề, được cụ Cục, cụ Trận về tận làng tuyển chọn. Nhiều người ở làng biển Duy Hải đã trở thành chỉ huy, binh phu, giong thuyền đi tuần biển Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Phạm Văn Trận cũng chính là người đầu tiên lập gia phả dòng họ Phạm Văn từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) và lưu truyền cho đến ngày nay.
Tiếp bước cha ông
Để minh chứng thêm về cụ Phạm Văn Trận, ông Phạm Văn Ca dẫn chúng tôi ra thăm nghĩa trang gia tộc của mình. Tại phần mộ cụ Trận có tấm văn bia cổ bằng đá được triều đình tạo lập. Theo lời kể của các bậc tiền nhân, sau khi cụ Trận qua đời, để ghi tạc công lao của cụ, triều đình Huế đã cho dựng hai tấm bia mộ, một tấm đặt ở kinh thành Huế, tấm còn lại đưa về làng An Lương để con cháu tôn thờ. Tấm bia cổ cao 0,5 m, xung quanh có chạm trổ hoa văn rồng, phượng tinh xảo. Dù đã trải qua gần 200 năm, qua một lần di dời mộ nhưng những câu chữ khắc trên tấm bia đá không bị phai mờ nhiều, còn rất rõ nét.
Tư liệu quý khẳng định chủ quyền
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên, nhìn nhận hai bức sắc phong mà triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho tộc Phạm Văn và được dòng tộc lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay là tư liệu quý, góp phần chứng minh từ xa xưa nước ta đã xác lập chủ quyền và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, hai bức sắc phong này đã được ghi danh vào danh mục lưu trữ tại Ủy ban Biên giới Biển đảo - Bộ Ngoại giao ở Hà Nội và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên, để những di sản văn hóa này được lưu truyền mãi với thời gian.
Ông Phạm Văn Hùng nói rằng con cháu tộc Phạm Văn ngày nay rất tự hào về truyền thống giữ nước, giữ biển của cha ông mình. Hiện nay, con cháu tộc Phạm Văn có rất nhiều người tham gia bám biển, bản thân ông Hùng dù đã 58 tuổi vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi. Mấy năm trước, ông Hùng đã vay vốn từ Nghị định 67 đóng tàu lớn vươn khơi. "Nghề biển trên gió dưới sóng cực khổ, khó khăn vất vả lắm. Nhưng mà lỡ yêu biển rồi rất khó rời xa. Lớp cha ông chúng tôi đi trước cũng như bản thân của tôi hiện nay luôn dặn dò con cháu cố gắng đóng tàu hiện đại để vươn khơi, giữ vững chủ quyền nhờ công sức mồ hôi, nước mắt và máu xương cha ông mình" - ông Hùng chia sẻ.
Ngoài truyền thống giữ biển, tộc Phạm Văn ở An Lương được biết đến là dòng họ hiếu học, có phong trào khuyến học, khuyến tài thuộc hàng nhất, nhì ở huyện Duy Xuyên nhiều năm qua.
Bình luận (0)