Ngày 14-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo), chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để đóng góp, hoàn thiện thêm một bước Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị. Tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung về vai trò của kinh tế tư nhân, các chính sách, cơ chế vượt trội để phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách ưu đãi về ứng dụng khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, thủ tục hành chính… cho kinh tế tư nhân.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đề án phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và gần đây nhất là bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, nội dung đề án cần có đột phá hơn nữa, với yêu cầu, mục tiêu cao hơn nữa để tạo áp lực, tạo động lực, truyền cảm hứng, quyết tâm thực hiện. Đề án cũng cần làm rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, đặt trong tổng thể của sự đột phá, đổi mới, phát triển đất nước. Đối với các cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Đặc biệt, khu vực tư nhân phải được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đề án, Thủ tướng yêu cầu đề án phải có tính hành động, tính chiến đấu cao. Song, nội dung phải dễ hiểu, dễ thực hiện và phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Bên cạnh đó, nhiệm vụ, giải pháp phải bảo đảm tính khả thi, đặt trong tổng thể của "bộ tứ chiến lược" đã được xác định là đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Thủ tướng, đề án vẫn chưa thể hiện tính đột phá, chưa chỉ ra được nút thắt, điểm nghẽn khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Do đó, cần hoàn thiện và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị làm rõ các giải pháp tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI); xây dựng đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tạo niềm tin, động lực và điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước.
Bình luận (0)