Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 51 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8-2024. Giai đoạn 1 được triển khai theo hình thức BOT, quy mô 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp.
Dự án quan trọng cấp quốc gia
Tuyến đường cao tốc này đi qua 2 địa phương là TP HCM và tỉnh Tây Ninh, trong đó Tây Ninh phụ trách đoạn dài 26,3 km thuộc thành phần 4 - công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu kết nối Vành đai 3 TP HCM và điểm cuối giao Quốc lộ 22 (tỉnh Tây Ninh), đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, khi hoàn thành sẽ khai thác đồng bộ các tuyến vành đai có năng lực lớn và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM - Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh nằm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh (cũ), bao gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm triển khai dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn, dự án được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13-3-2025 và đã được phân khai vốn (nguồn vốn trung ương).
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, đoạn tuyến qua tỉnh ảnh hưởng hơn 2.000 hộ dân và 17 tổ chức; số hộ tái định cư 330 hộ; tổng diện tích thu hồi 250 ha. Đến cuối tháng 6, địa phương đã chi trả bồi thường cho 769 hộ với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, đạt hơn 44%.

Đoạn ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, tỉnh Tây Ninh (trước đây thuộc thị xã Trảng Bàng) được bố trí làm khu tái định cư cho dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương phối hợp những xã, phường nơi dự án đi qua tổ chức họp dân công khai chủ trương, trao thông báo thu hồi đất, kết hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, cơ quan tuyên truyền cũng biên soạn ngắn gọn các nội dung về dự án để đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm thông tin tổng quan dự án, ý nghĩa của dự án, thời gian thực hiện các bước trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… cũng như yêu cầu những phường có dự án đi qua thành lập các tổ tuyên truyền của địa phương. Qua đó, tiến hành phân loại danh sách, có biện pháp vận động phù hợp với từng hộ dân, nhất là sau khi có mức giá bồi thường.
Người dân đồng thuận
Ông Nguyễn Văn Đua, phường An Tịnh, tỉnh Tây Ninh, cho biết đây là tuyến đường chiến lược của quốc gia, người dân rất mừng và sẵn sàng đồng thuận với cơ quan chức năng để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Ân, ở xã Phước Thạnh, tỉnh Tây Ninh, cho rằng xã hội ngày càng phát triển, Nhà nước tính toán xây dựng đường cao tốc để giúp việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, điều này nhân dân rất mừng và thuận tình ủng hộ. Ông mong rằng Tây Ninh sớm có đường cao tốc để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, để địa phương phát triển mạnh mẽ như TP HCM và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Hoa, phường Lộc Hưng, tỉnh Tây Ninh, cho hay gia đình bà có nhà và đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, bị thu hồi 90%. Sau khi được phường tổ chức mời họp dân để thông báo dự án, thông báo thu hồi đất, bà con ai cũng phấn khởi, chỉ mong dự án sớm triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út yêu cầu các đơn vị ưu tiên bố trí kinh phí chi trả cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các khu tái định cư. Ông cũng đề nghị các địa phương và sở, ngành nghiên cứu đề xuất thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tương tự cấp huyện trước đây để đẩy nhanh tiến độ, dù chưa có hướng dẫn mới. "Phải đặt mục tiêu đến giữa tháng 8 hoàn tất bàn giao mặt bằng, bảo đảm tiến độ dự án trọng điểm quốc gia" - ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.
Lợi thế vượt trội
Tỉnh Tây Ninh giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Đông - Tây Nam Bộ. Tỉnh này án ngữ phía Nam, Tây và một phần phía Bắc TP HCM, do đó có lợi thế về mặt giao thông. Ngoài tuyến đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Tây Ninh hiện được quy hoạch hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác.
Trong đó, 2 công trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3 đang về đích. Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km qua Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, tổng mức đầu tư 29.587 tỉ đồng. Tuyến đường có 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/giờ. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết 2 vùng Đông và Tây Nam Bộ, phân luồng xe không phải chạy qua nội đô TP HCM. Tuyến đường hiện khai thác một phần và dự kiến thông xe toàn bộ năm sau. Đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Tây Ninh đạt gần 80% tiến độ, dự kiến thông xe ngay cuối năm nay. Toàn công trình dài 90 km, qua Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, có nhiều nút giao với cao tốc quanh khu vực phía Nam, đóng vai trò thúc đẩy liên kết vùng, lưu thông hàng hóa.
Các trục đường huyết mạch khác đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ có Quốc lộ 50B nối từ TP HCM qua Tây Ninh đến Đồng Tháp (Tiền Giang cũ); Vành đai 4 (vừa được Quốc hội phê duyệt). Trong tương lai, theo quy hoạch mạng lưới cao tốc, tỉnh Tây Ninh còn có thêm tuyến Gò Dầu - Xa Mát, tuyến kết nối với các tỉnh miền Tây. Khi các tuyến đưa vào vận hành, Tây Ninh sẽ là tỉnh có mạng lưới cao tốc đa dạng và dày đặc nhất cả nước.
Bình luận (0)