Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 và 6 tháng đầu năm 2026 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng bức tranh vĩ mô của Việt Nam trong 6-12 tháng tới sẽ được dẫn dắt bởi hai yếu tố then chốt là cải cách và thích ứng. Trong đó, việc thích nghi với môi trường bất định được xem là nền tảng giúp ổn định các kỳ vọng tăng trưởng.
Ở chính sách tiền tệ Việt Nam trong xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất từ quý IV/2025, giúp Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành trong năm nay.
Cơ hội nào cho VN-Index lên vùng 1.750 điểm?
Đáng chú ý, nhóm phân tích của VDSC đưa ra dự báo VN-Index có thể đạt vùng 1.513-1.756 điểm trong 6-8 tháng tới. Tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ không quá lớn. Các yếu tố hỗ trợ tích cực như chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng giúp duy trì lãi suất thấp, và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9-2025 của FTSE.
"Khi nâng hạng thành hiện thực, thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn cầu quy mô khoảng 1 tỉ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá" – chuyên gia của VDSC nói.
Trong khi đó, báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 của Công ty chứng khoán SSI dự báo quan điểm tích cực về thị trường trong dài hạn nhưng chỉ đưa mục tiêu 1.500 điểm cho VN-Index vào cuối năm 2025.
Các động lực là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research ước tính tăng 14% so với cùng kỳ trong năm nay và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng 15% trong năm 2026. Các lĩnh vực đóng góp chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng.

Nguồn: SSI Research
Việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày đã góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng trong quý II, và có thời gian chuẩn bị để giảm tác động từ thị trường này trong những quý tiếp theo.
"Mức lợi suất 8,4% trên thị trường chứng khoán khá hấp dẫn so với lãi suất huy động bình quân quanh 4,6% và tiềm năng thu hút lại một phần tiền gửi dân cư có xu hướng tăng nhanh trong các quý gần đây dù mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp" – chuyên gia của SSI nói.
Rủi ro cần theo dõi là gì?
Công ty chứng khoán MBS cũng dự báo trong nửa sau năm 2025, dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.
Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 13,5 - 13,8 lần P/E, VN-Index sẽ đạt 1.500 - 1.540 điểm trong những tháng cuối năm. Thậm chí, VN-Index có thể lên 1.580 điểm với kịch bản tích cực.
"Ở kịch bản tích cực hơn, tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ ít hơn so với dự kiến, dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam nhờ triển vọng nâng hạng, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của thị trường đạt 19%, VN-Index có thể tiến lên vùng 1.580 điểm vào cuối năm" – MBS dự báo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo rủi ro cần theo dõi sẽ là các biến động địa chính trị, áp lực tỉ giá nếu FED trì hoãn hạ lãi suất, và sự bất định trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ.
Thống kê cho thấy, dù VN-Index phục hồi mạnh mẽ hơn 300 điểm từ sự kiện thuế quan ngày 2-4, song đà tăng chưa lan tỏa đến các lớp cổ phiếu. Số liệu của MBS cho thấy chỉ có 12/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh hơn VN-Index từ ngày 31-3, khoảng 9 cổ phiếu tăng thấp hơn thị trường chung. Thậm chí có đến gần một nửa cổ phiếu trong tốp 50 vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước thuế quan.
Trong bối cảnh này, nếu nhà đầu tư nào mua không đúng cổ phiếu tăng giá thì xác suất bị lỗ hoặc "chưa về bờ" vẫn rất cao, bất chấp VN-Index hướng tới mốc 1.500 điểm.
Bình luận (0)