Tốp 4 vở diễn lọt vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng lần thứ 29 - 2023 đang so kè nhau. Mỗi vở đều có sự tham gia của nghệ sĩ tên tuổi, giỏi nghề và lợi thế đang nghiêng về vở có hình thức dàn dựng mới lạ, hấp dẫn.
"Giáng Hương - Sân khấu về khuya" chạm mức 30 suất diễn
Vở nhạc kịch thuần Việt "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" (tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) của Sân khấu Thiên Đăng là một trong những vở diễn hiện thu hút đông khán giả. Đây cũng là vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao về thủ pháp dàn dựng.
Đạo diễn Quốc Thảo nhận xét: "Là vở diễn đầu tiên khai trương một sân khấu mới và quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" đã tạo được thiện cảm với số đông khán giả, một phần cũng nhờ danh tiếng từ phiên bản cải lương - cũng do NSND Nguyễn Thành Châu sáng tác. Vở này có hình thức dàn dựng mới lạ, những sáng tác âm nhạc cũng thu hút người xem. Trước mắt, lợi thế đang nghiêng hẳn về vở này nhưng hãy chờ phút cuối vì bạn đọc, khán giả sẽ là những người quyết định".
Với đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, tốp 4 hạng mục vở diễn của Giải Mai Vàng năm nay đều là những tác phẩm mà khán giả phải mua vé đi xem. "Nhờ sự đầu tư chăm chút về mặt nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc, đạt số suất diễn khá cao và được khán giả yêu thích, "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" đang có ưu thế hơn" - bà đánh giá.
Nhà báo Hoàng Kim đánh giá cao khâu biên tập với tư duy mới, lồng ghép qua đoạn tranh luận giữa 2 nhân vật Lĩnh Nam và Giáng Hương về lòng yêu nghề của nghệ sĩ. Qua câu chuyện của thập niên 1960, với góc nhìn của người xem đương đại thì lời giải của bài toán đúng - sai giữa hai người yêu nghề theo kiểu của riêng mình sẽ nằm trong suy nghĩ để ứng xử đúng đắn với sân khấu truyền thống dân tộc.
Theo nhà báo Nguyễn Đình Khiêm (Hãng phim TFS), NSƯT Thành Lộc đã tạo được hiệu quả về bố cục một vở nhạc kịch thuần Việt. Qua các tình huống kịch, diễn viên hát và tạo sự cuốn hút cho người xem. Thành công của vở là sự cộng hưởng các yếu tố mới lạ, cân bằng 2 tiêu chí: nghệ thuật và thị trường. Đến nay, vở này đã diễn hơn 30 suất - một tín hiệu đáng mừng cho Sân khấu Thiên Đăng.
Sắc thái mới từ "Cô đào hát"
Trên Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, vở "Cô đào hát" của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - phóng tác từ truyện ngắn "Người đàn bà đức hạnh" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Hoa Hạ chuyển thể cải lương và dàn dựng - đã mang lại sắc thái mới cho sàn diễn hôm nay.
"Tôi đánh giá cao "Cô đào hát", dù dựng lại nhưng đạo diễn Hoa Hạ không lặp lại cái bóng của mình. Một bản dựng sang trọng, tinh tế, sáng đẹp. Rất nhiều lớp diễn khai thác được khả năng của diễn viên khiến người xem rất "đã" vì được thấm, được ngấm những ý tứ sâu xa trong vở cải lương" - nhà báo Linh Đoan nhận xét. Chị dự đoán vở diễn này sẽ nhận được sự bầu chọn của số đông khán giả, bạn đọc.
NSND Thoại Miêu cho rằng đạo diễn Hoa Hạ đã tạo nhiều điểm nhấn và sắc thái mới cho "Cô đào hát", qua đó trình làng một thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu cải lương. "Vở "Cô đào hát" đã tạo dấu ấn đẹp bởi sự tiến bộ trong diễn xuất của một lứa học trò mà soạn giả Hoàng Song Việt và đạo diễn Hoa Hạ đã bỏ công vun đắp kinh nghiệm, giúp họ thăng tiến trong nghề" - NSND Thoại Miêu bày tỏ.
NSND Ngọc Giàu cũng đồng tình, dự đoán bạn đọc, khán giả yêu thích cải lương sẽ bầu chọn tác phẩm "Cô đào hát" vì vở diễn này được thực hiện rất nghiêm túc và sang trọng. "Dàn cổ nhạc nền nã, trả lại đúng chuẩn mực cho cải lương; trang phục rất đẹp và bố cục vở diễn gọn gàng; các em diễn viên ca diễn đồng đều. Tôi dự đoán Hoa Hạ sẽ tỏa sáng lần này" - NSND Ngọc Giàu nhìn nhận.
Với nghệ sĩ Tú Trinh, vở "Cô đào hát" tạo được nhiều cảm xúc. "Ông bầu Hoàng Song Việt đã chọn hướng đi riêng cho thương hiệu Cải lương mới Đại Việt. Dù được dựng từ kịch bản cũ nhưng bằng thủ pháp dàn dựng đẩy nhanh tiết tấu, chất chứa nhiều thông điệp thời đại nên "Cô đào hát" được khán giả chấp nhận. Nhiều diễn viên trẻ cũng hồ hởi vì được rèn luyện thêm cách thâm nhập nội tâm các nhân vật khó. Các số phận trong vở qua cách kể chuyện hấp dẫn của Hoa Hạ đã đẩy diễn xuất lên đến tận cùng, để trong đau khổ của nhân vật, nhiều bài học quý cho cuộc sống lóe sáng. Tôi cho rằng vở này sẽ chạm tay tượng Mai Vàng năm nay" - nghệ sĩ Tú Trinh dự đoán.
"Mẹ hát rong" lan tỏa yêu thương
Trong các vở kịch trên Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh, "Mẹ hát rong" (tác giả, đạo diễn: Huỳnh Lập) là một dấu son của sàn diễn đang dành cho thế hệ trẻ làm nghề này.
Theo đạo diễn Tôn Thất Cần, bố cục chủ đạo của "Mẹ hát rong" đã tạo nên ấn tượng và đầy cảm xúc, khi thông điệp giữ gìn nghệ thuật chân chính của nghệ sĩ được tô đậm. "Dự đoán vở nào đoạt giải là việc cực kỳ khó vì tốp 4 do bạn đọc đề cử đều xứng đáng. Tôi tin phút cuối sẽ có nhiều bất ngờ thú vị" - đạo diễn Tôn Thất Cần nhận định.
Nhà báo Hoàng Kim cho rằng chính thủ pháp dàn dựng trẻ trung của Huỳnh Lập và lợi thế từ kịch bản do mình sáng tác - đã được diễn trước đó tại các quán kịch cà phê - nên anh biết cách nâng chất lượng nghệ thuật của "Mẹ hát rong". Các nhân vật sống rất đời, qua đó khiến khán giả vỡ òa cảm xúc, nhất là với những lớp diễn nói về thân phận nghệ sĩ.
Trong khi đó, NSƯT Minh Nhí cho biết vì là diễn viên của "Mẹ hát rong" nên nếu ông tự khen thì "rất ngại". "Trong quá trình làm việc với đạo diễn, tôi thừa nhận Huỳnh Lập đã tạo ra nhiều tình huống bi hài, để tiếng cười được đặt đúng chỗ và cảm xúc cũng tạo được sự bùi ngùi đúng lúc" - ông phân tích.
"Ngược dòng Tây Sơn": Nỗ lực của đạo diễn trẻ
Nguyễn Thành Toàn là cái tên khá lạ với khán giả ở vị trí đạo diễn. Song, NSƯT Công Ninh đánh giá cao sự liều lĩnh của đạo diễn này. Lâu nay, Nguyễn Thành Toàn chỉ là diễn viên, bây giờ đem kinh nghiệm diễn xuất để vận dụng vào công việc đạo diễn với "Ngược dòng Tây Sơn".
"Dù vài chỗ xử lý chưa hấp dẫn nhưng toàn tác phẩm cho thấy sự nỗ lực rất lớn của một nghệ sĩ trẻ muốn làm vở sử Việt. Biết đâu "ngựa về ngược", người trẻ sẽ được ủng hộ" - NSƯT Công Ninh kỳ vọng.
NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận thành công của "Ngược dòng Tây Sơn" là quy tụ được dàn diễn viên giỏi nghề: NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Hoàng Quốc Thanh… Đáng chú ý, Nguyễn Thanh Toàn đã mạnh dạn thay những bài hát Hồ Quảng thành bài bản cải lương, đờn ca tài tử.
"Đó là ý thức rất tốt của một nghệ sĩ công dân, dám nói không với những gì vay mượn từ âm nhạc ngoại lai, giữ cho đúng nét đẹp truyền thống của vở cải lương sử Việt" - NSƯT Ca Lê Hồng tâm đắc.
Theo các nhà chuyên môn, bố cục "Ngược dòng Tây Sơn" được sắp xếp rất khéo. Nhiều khán giả đã bày tỏ mong muốn được xem vở này diễn thêm lần nữa. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên, họ được xem vở cải lương sử Việt có thủ pháp nghệ thuật trẻ trung.
"Cả vở diễn toát lên vẻ đẹp hào hùng của lịch sử thời Tây Sơn. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Nguyễn Thanh Toàn trong vai trò đạo diễn. Sau vở này là chặng đường dài phía trước với anh, vừa học nghề vừa thử nghiệm để trưởng thành hơn" - soạn giả Hoàng Song Việt tin tưởng.
"Trong vở "Mẹ hát rong", Huỳnh Lập đã mời nghệ sĩ Bạch Long đến thị phạm, hướng dẫn để anh và Việt Hương thể hiện vũ đạo rất đẹp mắt những lớp diễn về thân phận nghệ sĩ.
NSND Trần Minh Ngọc nhận định cả 4 vở diễn nêu trên đều có nét riêng, tạo được sự thăng hoa trong cảm xúc, thể hiện tính chuyên nghiệp trong các khâu sáng tạo: kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc... Điều đó mang lại cho tốp 4 vòng bầu chọn hạng mục vở diễn một cái nhìn khái quát về chất lượng vở diễn sân khấu, xứng đáng với sự quan tâm của bạn đọc và khán giả.
Bình luận (0)