Chị N.T (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) mới đây phản ánh với Báo Người Lao Động về việc thông tin trên CCCD của chị bị kẻ gian đánh cắp rồi kết hợp với hình ảnh của người khác để mở tài khoản ngân hàng (NH), vay tiêu dùng hàng trăm triệu đồng. "Khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng tại một NH, tôi được thông báo đang vướng nợ xấu. Qua nghiệp vụ xác minh của NH, tôi mới biết mình bị đánh cắp thông tin CCCD" - chị T. cho biết.
Xác thực bằng khuôn mặt
Trước đó, Báo Người Lao Động cũng nhận nhiều phản ánh của bạn đọc về việc bỗng dưng vướng nợ xấu hoặc có khoản vay quá hạn tại tổ chức tín dụng, NH hoặc công ty tài chính.
Với đòi hỏi có giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến, NH Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ NH. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng xác thực bằng sinh trắc học đối khách hàng cá nhân chuyển tiền trong cùng NH, khác chủ tài khoản; chuyển tiền liên NH trong nước; chuyển giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng và chuyển tiền liên NH ra nước ngoài từ 200 triệu đồng trở lên. Mục đích là nhằm chặn tài khoản "rác"; dẹp tình trạng thuê, mượn, mua, bán tài khoản cho mục đích lừa đảo. Khi ngăn chặn được tài khoản "rác", việc lưu thông dòng tiền phi pháp sẽ không còn dễ dàng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trước khi Quyết định 2345/2023 được ban hành, nhiều NH thương mại đã ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào xác thực giao dịch trực tuyến. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết từ tháng 3-2021, NH này đã ứng dụng xác thực khuôn mặt (Facepay) cho 100% khách hàng mở tài khoản qua định danh điện tử (eKYC). Việc xác thực khá dễ dàng, nhanh chóng. Khách hàng có thể điều chỉnh hạn mức giao dịch muốn áp dụng sinh trắc học tùy theo "khẩu vị" rủi ro.
"Sắp tới, hệ thống của VietinBank sẽ tích hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an để xác thực CCCD và thu thập khuôn mặt khách hàng với độ xác thực và chất lượng ảnh cao hơn, qua đó giảm rủi ro liên quan tình huống ảnh giấy tờ tùy thân không rõ, khó so sánh với mặt thật..." - ông Lân thông tin.
Theo các NH, hình ảnh được sử dụng để mở tài khoản NH khi được xác thực với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp bảo đảm người thực hiện giao dịch là chính chủ. Qua đó, hạn chế khả năng kẻ xấu thực hiện giao dịch phi pháp thông qua tài khoản được mua bán lại.
Chủ động bảo vệ mình
Bên cạnh giải pháp từ ngân hàng, mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội và sử dụng các ứng dụng tài chính cũng cần tự nâng cao hiểu biết, tăng cường độ bảo mật cho các thiết bị có lưu trữ thông tin cá nhân.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp An ninh mạng Việt Nam, khuyến cáo để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên mạng, người dùng không nên tải các phần mềm, ứng dụng độc hại, không rõ nguồn gốc; cập nhật hệ điều hành thường xuyên để được vá lỗ hổng trên thiết bị. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tổ chức rộng rãi các chương trình tập huấn về an ninh mạng để người dân nhận diện được những dấu hiệu lừa đảo, ví dụ giả khuôn mặt, giọng nói bằng công nghệ Deepfake AI.
Theo ông Lương Quốc Cường, Trưởng Phòng Quản lý tín dụng - Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cần có kênh chính thống thông tin về các thủ đoạn lừa đảo để người dân nhanh chóng nắm bắt, phòng ngừa. "Các dự án đầu tư sinh lời cao qua ứng dụng, website hầu hết là lừa đảo, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Cá nhân có ý định tham gia cần kiểm tra kỹ tính hợp pháp của dự án để không trở thành nạn nhân" - ông Cường lưu ý.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hay website không rõ nguồn gốc. Cần sử dụng riêng mật khẩu cho từng tài khoản, đặc biệt là tài khoản NH; mật khẩu cần có độ dài, độ khó nhất định.
Kết hợp xác thực Facepay và Soft OTP
Theo Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân, giải pháp Facepay được áp dụng đồng thời với Soft OTP sẽ giúp tăng cường khả năng xác thực giao dịch, bảo đảm người thực hiện giao dịch là chủ tài khoản. "Khách hàng có thể bị đánh cắp mật khẩu, SMS OTP nhưng khuôn mặt là không thể giả" - ông Lân khẳng định.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước, giải thích thêm: Giao dịch chuyển tiền chỉ cần xác thực sinh trắc học 1 lần, những lần chuyển tiền sau đó sẽ tự động xác minh được chính chủ. Còn với các điểm thanh toán, mua hàng hay giao dịch nộp phí giao thông, thuế, bảo hiểm... đã có địa chỉ dòng tiền đến rõ ràng thì không yêu cầu sinh trắc học.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-1
Bình luận (0)