xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch có nhiều xung lực để bứt phá

Bài và ảnh: Yến Anh

Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta. Năm 2024, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỉ đồng

Ngày 19-12, Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức tại Hà Nội.

Lan tỏa sang nhiều ngành, lĩnh vực

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong cho rằng du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Theo đó, năm 2024, ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là "Điểm đến hàng đầu châu Á". Trong 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan lọt vào danh sách này.

"Hội nghị này là một bước trong quá trình đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 08 và thực thi Luật Du lịch 2017. Bắt nguồn từ thực tiễn, cần tạo hành lang phát triển, kiến tạo để phát triển. Từ đó, tiếp tục đề ra chủ trương, chính sách, quan điểm về phát triển du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, cần nhận thức rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển để tham mưu cho nhà nước tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo nguồn lực, thúc đẩy phát triển du lịch" - ông Hồ An Phong nhấn mạnh.

Du lịch có nhiều xung lực để bứt phá- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Hà Nội

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, dự kiến trong nhiệm kỳ Quốc hội 2026 - 2031, Luật Du lịch 2017 sẽ được tiến hành điều chỉnh, bổ sung, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho du lịch phát triển.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá Nghị quyết 08, với quan điểm "phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác", đã giúp du lịch trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc...

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thủy cũng chỉ ra hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức lẫn hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng quá trình thực hiện Nghị quyết 08 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước cũng như xây dựng thể chế, chính sách. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nhưng thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí. Vẫn còn tình trạng phát triển du lịch tự phát, khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có, chỉ chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế, tổ chức thiếu kế hoạch, chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu tính bền vững...

Đóng góp 6%-8% trong GDP

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết năm 2025 được xác định là năm du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng.

Mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch là đến năm 2025, phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8%-9%/năm; đóng góp trực tiếp 6%-8% trong GDP. Ngoài ra, ngành du lịch sẽ tạo 5,5 triệu việc làm.

Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ trọng đóng góp vào GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13%-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng 4%-5%/năm; đóng góp trực tiếp 10%-13% trong GDP…

Giải pháp được lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch... 

Cải thiện chính sách về thị thực

TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần sớm cải thiện chính sách về thị thực đối với khách quốc tế đến Việt Nam, khuyến khích du lịch nội địa. Mỗi địa phương phải nghiên cứu, đưa ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch - đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực du lịch thực chất, hiệu quả. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân, phân định rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích các bên. Tạo môi trường pháp lý thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò trong việc thúc đẩy phát triển du lịch.

TP HCM là trung tâm du lịch của cả nước. Từ khi Nghị quyết 08 và Luật Du lịch 2017 được ban hành, du lịch TP HCM đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

TP HCM: Du lịch ngày càng khởi sắc

Sở Du lịch TP HCM cho biết từ khi có Nghị quyết 08, ngành du lịch thành phố đã đạt được nhiều thành tựu; hành lang pháp lý dần được hoàn thiện; quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao; lượng khách quốc tế và nội địa tăng. Nguồn thu từ du lịch ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Với những giải pháp về cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích phát triển, trong giai đoạn 2016 - 2019, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành du lịch TP HCM đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Tỉ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP của du lịch thành phố đã tăng đáng kể, đạt 6,9% năm 2018 và dao động 10%-11% trong giai đoạn 2016 - 2019. Tăng trưởng khách quốc tế đến thành phố bình quân đạt hơn 16%, khách nội địa đạt 14%, tổng thu du lịch đạt hơn 13%.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, ngành du lịch TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề do lượng khách, doanh thu sụt giảm mạnh. Từ năm 2022 đến nay, ngành du lịch thành phố hồi phục mạnh mẽ, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Tỉ trọng đóng góp của du lịch trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố chiếm khoảng 7,6%.

Năm 2024, khách quốc tế tới TP HCM ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2023; khách nội địa ước đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6% và đạt 100% kế hoạch cả năm.

Dù vậy, việc phát triển du lịch TP HCM vẫn còn một số hạn chế. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 còn chậm, chưa được phê duyệt, ban hành; chưa có chiến lược cụ thể xúc tiến thị trường khách nội địa. Khâu truyền thông các sự kiện và tính kết nối với doanh nghiệp du lịch tham gia các sự kiện chưa đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, TP HCM còn thiếu bến thủy, cầu tàu, môi trường kênh rạch ô nhiễm nên nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng, tạo sức cản cho sự phát triển của loại hình du lịch tiềm năng này. TP HCM chưa có điểm biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn để thực hiện các chương trình chất lượng cao, đa dạng, thường xuyên, nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách trong thời gian lưu lại...

"Kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư; là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Cần có cơ chế, chính sách thí điểm đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, các tỉnh, thành trong khu vực cần liên kết nhằm tăng cường, thúc đẩy phát triển du lịch các địa phương và cả vùng" - bà Ngọc Hiếu kiến nghị.

T.Phương


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo