Người bạn đến trong “ngày mưa”
Tối 27-5, tại ký túc xá Komaba ở Tokyo, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi với khoảng 20 nghiên cứu sinh, sinh viên… thuộc Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA). Hầu hết các bạn đều thuộc thế hệ cuối 8X, đầu 9X. Quả là cuộc sống xa nhà đã giúp các bạn trưởng thành hơn trong tư tưởng, quan điểm sống đến cách ứng xử. Chỉ lớn hơn con tôi ở nhà vài tuổi nhưng trông các bạn chững chạc và “phong cách” hơn nhiều!
Nhắc đến những ngày “khủng khiếp” vừa qua, các bạn thi nhau kể: Toàn Tokyo hôm đó bị cúp điện. Hầu hết phương tiện liên lạc đều bị gián đoạn. Hệ thống xe điện cũng ngưng hoạt động; giao thông gần như tê liệt, chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số về nhà. Những ngày tiếp theo, xe điện vẫn chưa hoạt động bình thường khiến một số bạn ở xa phải nghỉ làm, nghỉ học. Lúc đó, nước uống có vẻ khan hiếm, mọi người không dám sử dụng nước máy; nhất là những gia đình có trẻ em. Họ phải mua nước đóng chai. Nhưng các cửa hàng, siêu thị chỉ bán cho mỗi người 1-2 chai nước/ngày. Thời điểm xảy ra thảm họa đúng lúc nghỉ đông của sinh viên nên trước “sức ép” do thiếu thông tin của gia đình ở Việt Nam, một số sinh viên đã về nước.
Bạn Lê Anh Xuân, một nghiên cứu sinh tại Tokyo, cho biết cuộc sống của các bạn sớm trở lại bình thường chứ không như những thông tin trên mạng đăng tải đã gây hoang mang cho gia đình ở Việt Nam. Bạn Dương Thu Hương cũng tâm sự: Dù ở Nhật vài năm nhưng em thật sự yêu đất nước mặt trời mọc và xem đây như “ngôi nhà thứ hai” của mình. Em đã thuyết phục gia đình để sớm trở lại Nhật tiếp tục việc học.
Không chỉ trở lại Nhật, các nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đã tổ chức một sự kiện thiết thực để góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát cho những người dân Nhật phải gánh chịu thảm họa. Bạn Nguyễn Hồng Quân, nghiên cứu sinh Học viện Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách (GRIPSVN), giới thiệu: Ngày 18-6-2011, Chi hội Sinh viên Việt Nam tại GRIPSVN và cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Giao lưu Sinh viên quốc tế Tokyo (TIEC-Odaiba) sẽ đồng tổ chức “Ngày Việt Nam 2011” tại TIEC-Odaiba với khoảng 500 khách mời là sinh viên Việt Nam và quốc tế. Đây là dịp để cộng đồng lưu học sinh Việt Nam quảng bá đất nước, con người, phong tục văn hóa Việt Nam đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, luôn sát cánh, chia sẻ với người dân Nhật. Cùng đồng hành với người dân Nhật, không gì ý nghĩa hơn là tiếp tục những kế hoạch, công việc dang dở để cuộc sống ở Nhật trở lại bình thường. Chúng tôi luôn nhớ câu ngạn ngữ Nhật “Người bạn đến trong ngày mưa là người bạn đích thực”!
Bạn Nguyễn Ngọc Tú, Chủ tịch VYSA khẳng định: Rất may mắn là cho đến giờ phút này theo xác minh của chúng tôi, không người Việt Nam nào bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép vừa qua trên đất Nhật. Để tránh tình trạng hoang mang về tâm lý, VYSA thường xuyên cập nhật thông tin về thiên tai lên trang web của hội để các bạn tham khảo, để gia đình ở Việt Nam yên tâm về cuộc sống thực tế tại Nhật không “ghê gớm” như một số phương tiện truyền thông phản ảnh. VYSA được thành lập cách đây 10 năm gồm 3.700 sinh viên phân bổ tại 14 chi hội. Đây không chỉ là một sân chơi cho sinh viên xa nhà mà VYSA còn làm cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thông tin cũng như tìm kiếm nhân lực.
Kỹ năng sống chung với động đất
Trong những ngày tham quan xứ sở Phù Tang, chúng tôi may mắn đặt chân đến Bảo tàng Tưởng niệm về Thiên tai Động đất thuộc Viện Tái thiết nhân lực và Giảm nhẹ thiên tai ở thành phố Kobe. Hướng dẫn chúng tôi, bà Sibusawa, tình nguyện viên làm việc tại đây 3 năm, giới thiệu: Đón khách đầu năm 2002, bảo tàng ra đời để tưởng niệm trận động đất Hanshin-Awaji kinh hoàng 7,3 độ Richter tại khu vực phía Nam tỉnh Hyogo, thành phố cảng Kobe lúc 5 giờ 46 phút sáng 17-1-1995 làm 6.433 người thiệt mạng, hơn 43.000 người bị thương và gần 400.000 ngôi nhà bị hư hại. Quan trọng hơn, bảo tàng còn giáo dục giới trẻ Nhật ngày nay nhớ lại hậu quả của động đất đồng thời tuyên truyền cách xử lý tình huống khi “sống chung với lũ”. Bảo tàng xây khá hiện đại bằng 2 lớp kính cường lực trong suốt có khả năng chịu nóng lẫn lạnh, sử dụng năng lượng mặt trời, gồm 2 tòa hình hộp 5 tầng. Bước vào trong, chúng tôi lần lượt mục kích những mô hình thu nhỏ tái hiện toàn bộ cảnh động đất từ lúc xảy ra đến cảnh tan hoang, đổ nát, rồi những dấu vết cuối cùng còn sót lại sau cơn giận dữ của thiên nhiên. Tận mắt xem lại những đoạn phim ghi hình về trận động đất kinh hoàng đó, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, thảng thốt, có người không ngăn được dòng nước mắt trước những gì mà người dân Nhật phải gánh chịu… Nhiều nơi trong thành phố thành một biển lửa, nhưng người dân bất lực vì không đủ nước để chữa. Có nơi bị nhấn chìm trong biển nước, nhiều ngôi nhà bị lôi tuột ra giữa đường cao tốc, xe hơi cùng nhiều phương tiện giao thông khác bị tung lên không trung như những món đồ chơi… Tàu điện ngầm bị gián đoạn, tàu cao tốc bị sập, cuộc sống màn trời chiếu đất diễn ra trong thời gian dài với sự thiếu thốn, khó khăn. Đứng trước thảm họa, mỗi người dân Nhật đều có những cung bậc cảm xúc, trạng thái tinh thần khác nhau khi chạm đến lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng họ vẫn dũng cảm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để tìm hơi ấm trong sự nghiệt ngã của thiên nhiên.
Có lẽ điểm nhấn nổi bật của bảo tàng này ở chỗ mỗi người đặt chân đến đây đều được phát những tờ hướng dẫn cụ thể “những việc cần làm ngay” và những dụng cụ thiết yếu cần trang bị để sử dụng khi động đất xảy ra.
Bà Sibusawa giới thiệu thêm: Những người làm việc tại bảo tàng đa số là người lớn tuổi, tình nguyện, nói được nhiều thứ tiếng. Trung bình mỗi ngày bảo tàng thu hút 2.500 khách đến tham quan; đa số là học sinh các trường ở các tỉnh khác. Nhật là quốc gia nằm ngay trung tâm vành đai lửa, luôn gánh chịu động đất trên 4 độ Richter. Trung bình mỗi ngày trên đất Nhật có đến 20 trận địa chấn; 2.000 điểm có khả năng động đất. Với những trận động đất nhẹ thì người Nhật chẳng để ý bởi trong tiềm thức của họ, nó chẳng khác gì trời mưa, trời nắng! Trong vòng một thế kỷ qua, xứ sở Phù Tang đã chịu 24 vụ động đất mạnh từ 6 độ Richter trở lên.
Tuy Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm với kỹ thuật hiện đại để chống động đất, nhưng hiện tượng thiên nhiên này rất khó kiểm soát nên người Nhật chỉ còn cách phải sống cùng động đất. Vì thế quan trọng nhất là từ bảo tàng này dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng sống để hiểu và khắc phục hậu quả của thiên tai. Bà dự báo tiếp: Nhật đã chuẩn bị ứng phó với trận động đất khủng khiếp sẽ xảy ra trong vòng 30 năm nữa với sóng thần đưa mực nước dâng lên đến 15 m tại Kobe (trong khi chấn động cao nhất mới chỉ 11 m). Đứng trước nguy cơ động đất, những kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng của Nhật đã thay đổi cách xây dựng bằng những trụ chống sâu xuống đất hơn 30m hoặc xây nhà trên những con lăn…
Nhưng như tất cả những người Nhật khác ở xứ sở anh đào, bà Sibusawa vẫn rất bình tĩnh, tự tin, kiên cường như ý chí sắt đá của các chiến binh samurai… và tự hào rằng không có sự trốn chạy nào!
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường quan trọng của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của Vietravel nói riêng. Trong năm 2010, ngành du lịch Việt Nam đón được 440.000 lượt khách Nhật sang du lịch. Ở Vietravel, con số này là 30.000. Ngược lại, trung bình mỗi tháng Vietravel tổ chức từ 4-5 đoàn khách VN sang Nhật du lịch. Trong mùa cao điểm như lễ hội hoa anh đào, có đến 8-10 đoàn/tháng.
Nhưng từ tháng 3-2011, thảm họa đã làm gián đoạn hoạt động du lịch của cả 2 phía. Hiện nay, khi tình hình tại các điểm đến trong hành trình tour đã ổn định trở lại, Vietravel là hãng lữ hành đầu tiên tại Việt Nam khởi động lại tour Nhật trong tháng 6 này. Kết hợp cùng Vietnam Airlines, Vietravel khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá từ 8-12 triệu đồng/khách cho đường tour Nhật. Đây là cơ hội tốt để du khách khám phá những nét hấp dẫn của xứ sở Phù Tang cũng như nghiêng mình thán phục trước ý chí bất khuất của người dân Nhật trước thiên tai. |
Bình luận (0)