Sở Văn hóa - Thể thao và Du dịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng đang phối hợp với cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn dù lượn khiến một nam du khách tử vong tại bán đảo Sơn Trà.
Khách phải ký miễn trừ trách nhiệm
Theo báo cáo ban đầu, ngày 8-7, nam du khách H.Q.T (thường trú tại TP HCM) đã liên hệ, đặt dịch vụ bay trải nghiệm dù lượn không động cơ tại bán đảo Sơn Trà do Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tropical Forest (trụ sở tại phường Sơn Trà) tổ chức khai thác.
Trước khi tham gia dịch vụ, Công ty Tropical Forest và du khách đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình trước khi bay, khai báo thông tin tại chốt kiểm soát, mua bảo hiểm tai nạn, ký cam kết miễn trừ trách nhiệm. Trong quá trình bay, dù lượn bất ngờ gặp sự cố khiến anh T. rơi tự do, tử vong tại chỗ. Phi công L.M.P (41 tuổi, thuộc Công ty Tropical Forest) điều khiển dù hạ cánh khẩn cấp, bị va đập và rơi vào tình trạng hoảng loạn; sau đó được lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu kịp thời. Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường, đưa thi thể nam du khách bàn giao cho lực lượng chức năng.
Theo tìm hiểu, dịch vụ bay trải nghiệm dù lượn không động cơ là bộ môn thể thao mạo hiểm đang được ưa thích tại TP Đà Nẵng. Khi trải nghiệm dịch vụ, du khách sẽ được xe đưa đón đến/rời bán đảo Sơn Trà, bay cùng các phi công được đào tạo. Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, chùa Linh Ứng, bãi biển Mỹ Khê và toàn cảnh TP Đà Nẵng từ trên cao. Kết thúc chuyến bay, du khách sẽ được trao chứng nhận đã trải nghiệm. Giá dịch vụ dao động 1,6 - 1,8 triệu đồng (đã bao gồm gói bảo hiểm cho khách hàng).
Vụ tai nạn xảy ra khiến nhiều người dân, du khách từng đến Đà Nẵng xôn xao. Chị Nguyễn Thị Nhung (trú TP Hà Nội) cho hay trong chuyến du lịch Đà Nẵng cùng gia đình vào cuối tháng 6 vừa qua, chị cũng được mời chào dịch vụ dù lượn nhưng không đồng ý vì còn nhiều e ngại. Theo chị, dù biết các công ty và phi công đều được cấp phép nhưng dù lượn là bộ môn thể thao mạo hiểm, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết như sức gió, hướng gió… có thể khiến người chơi rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không biết xử lý. "Trong khi đó, hầu hết khách du lịch là dân không chuyên, nếu gặp sự cố trên không rất dễ hoảng loạn. Trong tình huống đó, nếu phi công xử lý không tốt thì chắc chắn xảy ra tai nạn" - chị Nhung nêu quan điểm. Chị Khánh Minh (ngụ phường Thủ Đức, TP HCM) cho biết vừa có chuyến du lịch cùng bạn bè ở phường Mộc Châu, tỉnh Sơn La và có trải nghiệm trò chơi mạo hiểm là zipline. Khách được hướng dẫn mặc đồ bảo hộ, đeo dây đai an toàn và trượt từ trên cao xuống trong khoảng 1 phút. "Chúng tôi cũng được yêu cầu ký kết miễn trừ trách nhiệm sau khi mua vé" - chị Minh nói.
Anh Ngọc Hoàng (ngụ phường Hiệp Bình, TP HCM) cho hay gia đình anh thường đi du lịch biển ở phường Phan Thiết, Mũi Né (tỉnh Lâm Đồng) nhưng chỉ có một lần cùng gia đình chơi trò đua xe địa hình ở Bàu Trắng vì thấy quá nguy hiểm. Xe chạy vượt đồi cát, chở theo cả trẻ em mà không có đai an toàn hay thiết bị bảo vệ.
Theo các công ty du lịch, nhu cầu đi tour du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, khám phá những cung đường mới mẻ ngày càng tăng. Các dịch vụ du lịch mạo hiểm đáp ứng nhu cầu của khách được triển khai nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty du lịch ở TP HCM cho biết phần lớn các dịch vụ du lịch mạo hiểm ở các điểm đến là dịch vụ do bên thứ 3 khai thác, không đưa vào lịch trình đi tour trọn gói của khách.

Tại Đà Nẵng hiện có 2 dịch vụ dù bay không động cơ đưa vào khai thác, gồm dù lượn Sơn Trà và ca-nô kéo dù bay Ảnh: Hải Định
Tổng rà soát dù lượn mạo hiểm
Thông tin về nguyên nhân vụ tai nạn, đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết: "Điều tra bước đầu đã xác định nhân viên hướng dẫn bay (phi công) đã bất cẩn trong việc tổ chức cho khách bay. Cơ quan công an đã xác định và mời làm việc đối với đơn vị tổ chức và người liên quan".
Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, dịch vụ bay trải nghiệm dù lượn không động cơ đã được UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thí điểm thực hiện từ tháng 6-2023 đến nay. Hiện có 5 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Tropical Forest, đủ điều kiện được cấp phép tổ chức khai thác hoạt động kinh doanh dịch vụ này tại bán đảo Sơn Trà. Để được cấp phép hoạt động, 5 đơn vị phải đáp ứng các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định của Nghị định 168 của Chính phủ. Trước khi tham gia dịch vụ, Công ty Tropical Forest và du khách đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình trước khi bay. Theo quy định, việc tổ chức bay phải được thực hiện trước 17 giờ hằng ngày để bảo đảm yêu cầu về thời tiết, hướng gió. Dù vậy, theo báo cáo ban đầu, du khách H.Q.T gặp nạn lúc 17 giờ 30 phút, có thể đây là chuyến bay cuối cùng trong ngày.
Lãnh đạo Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng cho biết thêm vào mùa cao điểm, số lượng khách đăng ký tham gia trải nghiệm trung bình gần 1.000 lượt khách/tháng. "Đây là lần đầu xảy ra trường hợp du khách tử vong khi bay dù lượn không động cơ ở Đà Nẵng. Sở đang phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân gây tai nạn, tổng rà soát các quy trình, trước mắt tạm đình chỉ hoạt động bay dù lượn mạo hiểm tại bán đảo Sơn Trà" - ông Thao nói.
Chưa cấp phép dịch vụ ca-nô dù bay tự lái
Bên cạnh dịch vụ dù lượn mạo hiểm, tại biển Đà Nẵng còn có dịch vụ ca-nô dù bay đang được nhiều du khách ưa thích. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL), dù dịch vụ ca-nô dù bay không được xếp vào thể thao mạo hiểm nhưng thời gian qua, đơn vị luôn quản lý chặt hoạt động du lịch này. Theo đó, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro tai nạn, va chạm giữa ca-nô và khách tắm biển, BQL đã giăng dây, phân luồng riêng biệt giữa khu vực tắm biển và luồng di chuyển của ca-nô. Mỗi người điều khiển ca-nô đều phải được cấp phép, quản lý. Đồng thời, Đà Nẵng hiện chưa cho phép dịch vụ cho khách thuê ca-nô tự lái. Dù vậy, vẫn có đôi lúc hoạt động ca-nô gây ảnh hưởng đến khách tắm biển Đà Nẵng, BQL đã yêu cầu các đơn vị khai thác rà soát, nhắc nhở nhân viên.
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Du lịch TP HCM:
Cần tăng chế tài với du lịch mạo hiểm
Một số sự cố tai nạn liên quan các trò chơi du lịch mạo hiểm vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề cần lưu ý. Các phương tiện tham gia phục vụ du khách như xe đua địa hình, dù lượn… cần được đăng kiểm định kỳ để bảo đảm chất lượng. Đối với một số trò chơi du lịch mạo hiểm, quy định ở nước ngoài đòi hỏi nhân viên phụ trách là 1 kèm 1, trong khi nhiều dịch vụ du lịch trong nước chưa tuân thủ, đáp ứng quy định này. Các công ty du lịch tổ chức dịch vụ này cần phân bổ nhân sự bảo đảm an toàn. Đồng thời, cần rà soát lại những quy định, chế tài hiện nay liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm để bổ sung, tăng tính răn đe.
Nhu cầu trải nghiệm những trò chơi du lịch mạo hiểm khi tới các điểm đến của khách du lịch ngày càng tăng nhưng cũng đòi hỏi cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối để khách có trải nghiệm tốt nhất.
Ông Phạm Đại Lượng, sáng lập Công ty Du lịch Itrek:
Bảo đảm an toàn cho du khách là ưu tiên hàng đầu
Công ty hiện tổ chức tour du lịch trong đó có tour trekking, camping khám phá những cung đường đẹp như Tà Năng - Phan Dũng; hồ Tà Đùng; Vườn Quốc gia Bù Gia Mập... Những cung đường này có đủ vượt rừng, lội suối, băng thác, tắm thác, cắm trại. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách là ưu tiên hàng đầu. Đội ngũ nhân sự luôn được huấn luyện để bảo đảm chuyên môn và vấn đề an toàn trong tour. Với khách lẻ, công ty sẽ tư vấn đầy đủ thông tin và những khuyến cáo cho khách về sức khỏe, thời tiết, địa hình trong quá trình đi tour. Với khách đoàn, công ty sẽ trao đổi với người phụ trách đoàn khách; có thêm các buổi gặp gỡ trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ chuẩn bị về mặt thể lực lẫn trang bị khi đi tour. Mỗi tour du lịch mạo hiểm sẽ có những quy định, lưu ý về an toàn riêng và cả hướng dẫn viên lẫn khách đều phải tuyệt đối tuân thủ để bảo đảm an toàn.
Bình luận (0)