Hơn 1 tuần sau khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ và gây thiệt hại nặng nề các tỉnh, thành miền Bắc, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn đang chịu tác động, nhu cầu đi du lịch của khách sụt giảm mạnh.
Nhiều tour bị dời, hủy
Ngày 17-9, chị Bích Ngọc (ngụ TP HCM) cho biết chị và nhóm bạn gồm 10 khách vừa hủy tour du lịch tới Tà Xùa - Mù Căng Chải (Yên Bái) dù chỉ còn 1 ngày nữa là khởi hành. "Tôi đợi đến ngày cuối cùng mới hủy tour vì hy vọng tình hình bão lũ sẽ được khắc phục sớm. Tuy nhiên, sau bão số 3 và sạt lở đất, người thân của tôi ở Yên Bái nói các cung đường bị ảnh hưởng nhiều nên chúng tôi quyết định hủy tour. Cả nhóm phải chịu mất tiền vé máy bay đã mua, còn tiền mua tour sẽ được công ty hoàn lại trong vòng 1 tháng tới" - chị Ngọc kể.
Được biết, nhóm bạn chị Ngọc mua tour tại một công ty du lịch ở TP HCM với dự định trải nghiệm những cung đường, điểm đến mùa thu ở miền Bắc. Nhiều khách du lịch khác cũng có quyết định tương tự dù biết nếu hoãn hay hủy tour có thể làm ngành du lịch các tỉnh, thành phía Bắc càng thêm khó. Bởi, thời điểm này hằng năm, những điểm đến ở các tỉnh, thành miền Bắc sẽ vào mùa cao điểm đón khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết tour miền Bắc thường chiếm 30% trong kế hoạch phục vụ của DN. Trung bình mỗi tuần có 20 - 25 đoàn khách khởi hành các tuyến miền Bắc, mỗi đoàn khoảng 10 - 15 khách. Tuy nhiên, do tác động của bão, lũ trên diện rộng và kéo dài hơn dự kiến, công ty đã phải thỏa thuận với khách thay đổi thời gian khởi hành, trên cơ sở quan trọng nhất là bảo đảm an toàn và trải nghiệm của du khách. Công ty sẽ hoàn 100% chi phí cho khách và chuyển sang tuyến khác theo nhu cầu. "Các tour theo tuyến Đông - Tây Bắc khởi hành tháng 9 hiện tạm ngưng hoàn toàn hoặc dời thời gian khởi hành cho đến khi điều kiện phục vụ du khách được trở lại bình thường" - bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, nói.
Nhiều công ty du lịch khác như Vietravel, Vietluxtour... cũng phải dời lịch khởi hành một số tour tham quan các điểm đến ở miền Bắc. Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, thông tin do ảnh hưởng của bão Yagi, một số đoàn khách đi du lịch miền Bắc phải hủy hoặc dời ngày do cơ sở hạ tầng du lịch ở các điểm đến như Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa, Cát Bà..., bị hư hại; ảnh hưởng ngập, lụt ở nhiều địa phương lân cận vẫn còn. Sau sắp xếp và điều chỉnh, Du lịch Việt vẫn còn khoảng gần 200 khách đi các tỉnh miền Bắc.
Một trong những khó khăn của công ty du lịch hiện nay là khách đề nghị hủy, dời ngày nhưng không được hỗ trợ vé máy bay vì các hãng hàng không vẫn có lịch bay bình thường. Phí dời hoặc đổi vé tuyến theo yêu cầu của khách ước khoảng từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách.
Có chính sách hỗ trợ để phục hồi nhanh
Là đơn vị hoạt động tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh), Lan Hạ và Cát Bà (Hải Phòng), ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho biết DN chịu tổn thất rất nặng do ảnh hưởng từ bão số 3. Ước tính sơ bộ thiệt hại từ cơ sở vật chất và những ngày ngưng hoạt động của công ty khoảng 5 tỉ đồng.
Dù vậy, điều may mắn theo ông Phạm Hà, là công ty không bị thiệt hại về người nên khi bão đi qua, DN có thể bắt tay vào sửa chữa, phục hồi để hoạt động trở lại ngay. Mấy ngày nay, các phòng ban của công ty ai nấy đều tất bật triển khai phương án đón khách trở lại. "Các đoàn khách lùi lịch hoặc hủy chuyến giờ đã bắt đầu quay trở lại. Từ khoảng tháng 10 là mùa cao điểm đón khách quốc tế nên chúng tôi nỗ lực bằng mọi cách để khắc phục thiệt hại thật nhanh để phục vụ du khách" - ông Phạm Hà chia sẻ.
Sa Pa (Lào Cai), điểm đến du lịch nổi tiếng tại miền Bắc, cũng nhanh chóng phục hồi sau những tác động do hoàn lưu bão số 3 và chào đón du khách trở lại. May mắn ít bị ảnh hưởng hơn so với các khu vực khác, Sa Pa đang tập trung khắc phục cơ sở vật chất, đường sá, hạ tầng giao thông bị hư hỏng sau bão lũ. Từ ngày 13-9, UBND thị xã Sa Pa quyết định mở lại các điểm du lịch trên địa bàn và yêu cầu các khu, điểm du lịch phải cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và cán bộ, nhân viên tại địa điểm do đơn vị quản lý.
Khu du lịch Sun World Fansipan Legend cũng đã chào đón những vị khách đầu tiên đến tham quan và trải nghiệm bản Mây, cáp treo ngắm cảnh và quần thể tâm linh, cột cờ Fansipan. Lãnh đạo Sun World cho hay Fansipan Legend là đơn vị đầu tiên mở cửa trở lại đón du khách sau bão tại Sa Pa. DN kỳ vọng với sự nỗ lực làm mới sản phẩm dịch vụ của các điểm đến, du khách trong và ngoài nước sẽ quay trở lại.
Tuy vậy, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - ĐHQG Hà Nội, nhận định tác động của bão lũ sẽ ảnh hưởng tới khách du lịch trong nước và khách quốc tế vòng 1 - 2 tháng tới, khiến cho lượng khách tới Việt Nam bị sụt giảm. Các tỉnh phía Bắc cần khoảng 1-2 tháng để có thể đón khách trở lại nhưng để khôi phục hoàn toàn cần sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước. Lãnh đạo Sở Du lịch Lào Cai cho biết dự kiến trong tuần này, sở sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn, hiệp hội du lịch và DN để bàn giải pháp phục hồi du lịch. "Một số điểm du lịch thông báo đón khách trở lại nhưng tâm lý khách vẫn còn ngần ngại. Phần lớn đều chưa sẵn sàng để đi tour thời điểm này nên DN cũng rất khó khai thác" - lãnh đạo công ty Du lịch Việt lo lắng.
Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội, nhận định một trong những khó khăn đối với ngành du lịch các tỉnh phía Bắc là tâm lý lo ngại tác động của bão, lũ và cơ sở vật chất, hạ tầng của nhiều điểm đến cần thời gian để phục hồi. Việc đầu tư, tái đầu tư cho các điểm du lịch không dễ trong giai đoạn ngành du lịch đang phải nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ. "Các khu, điểm du lịch ở miền Bắc phải tự tái đầu tư để phục hồi, sớm đón khách trở lại khi mùa cao điểm du lịch đang đến. Lúc này, đòi hỏi chính sách hỗ trợ từ nhà nước như miễn giảm thuế, phí cho DN, hộ kinh doanh du lịch. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá để du khách thấy sự phục hồi nhanh của du lịch ở các điểm đến này, cùng với việc nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình hiện tại" - ông Huy đề xuất.
Du lịch chịu tác động kép
Theo ông Phạm Anh Vũ, dù ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển sau COVID-19 nhưng thiên tai như bão Yagi lại đặt thêm áp lực lớn lên các DN. Đây là một năm khó khăn cho ngành du lịch khi vừa chịu áp lực khi giá đầu vào tăng cao, còn gánh thêm hậu quả của thiên tai. "Kiến nghị ngành du lịch cần có chủ trương để phối hợp hành động chung, thống kê và ước tính, công bố khi nào những điểm đến bị ảnh hưởng có thể bảo đảm chất lượng đón khách trở lại để DN lữ hành thông tin rộng rãi cho du khách. Điều này góp phần xóa tâm lý ngần ngại đi tour của du khách" - đại diện Du lịch Việt nêu ý kiến.
Bình luận (0)