Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, chính sách visa, hoạt động quảng bá xúc tiến, sản phẩm du lịch và sự liên kết trong phát triển du lịch giữa các điểm đến… là những điểm nghẽn cần tháo gỡ ngay để tạo đột phá thu hút khách quốc tế.
Sớm "mở rộng cửa" về visa
Theo nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn". Trong đó, đặc biệt chú trọng đến cơ cấu lại thị trường khách du lịch; đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn; nghiên cứu, nắm bắt xu hướng du lịch mới để có chính sách kịp thời…
Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ Ngoại giao được yêu cầu chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực (visa) đơn phương; thúc đẩy đàm phán hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam. Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế; báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-visa).
Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra dự kiến sẽ xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nếu được thông qua, quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp e-visa và visa truyền thống; kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn e-visa từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần…
Liên quan các giải pháp trong nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết những điểm nghẽn về visa cần gỡ "sớm chừng nào tốt chừng đó". Bởi nếu ưu tiên cho du lịch thì giải pháp đầu tiên cần ưu tiên về visa để "mở rộng cửa nhà" đón khách tới.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), nhận định việc sửa đổi luật sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ thống nhất tạo thuận lợi cho công dân thực hiện xuất nhập cảnh; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Quảng bá bài bản chính sách visa mới
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis, nhận định việc Chính phủ đang trình Quốc hội Luật Sửa đổi một số điều liên quan đến thị thực nhập cảnh và Quốc hội sẽ quyết trong kỳ họp này. Nếu được phê chuẩn và có hiệu lực ngay, ngành du lịch sẽ có khoảng 3 tháng để quảng bá sự thay đổi về chính sách visa đến thị trường khách châu Âu, Mỹ… Từ đó thu hút dòng khách này đến Việt Nam vào mùa du lịch bắt đầu từ tháng 10 tới đây.
"Việc đầu tư quảng bá điểm đến của quốc gia với các chính sách visa mới cần một chiến lược bài bản, lâu dài đi kèm với nguồn ngân sách phù hợp để đáp ứng được yêu cầu, đem lại hiệu quả cao. Các DN cũng cần làm mới mình bằng cách xây dựng thêm sản phẩm du lịch, tái cơ cấu mô hình kinh doanh, đẩy mạnh mô hình B2C để tiếp cận trực tiếp khách du lịch" - ông Á đề xuất.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LUX Group, đề xuất không chỉ kéo dài thời hạn lưu trú của khách được miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày, mà có thể nâng e-visa lên 90 ngày hoặc thậm chí 6 tháng đến 1 năm (ra vào nhiều lần) đối với những khách phân khúc trung cấp trở lên có nhu cầu nghỉ hưu, sống lâu dài tại Việt Nam.
"Điều quan trọng nhất là những thay đổi về chính sách visa cần được thông qua sớm" - ông Phạm Hà nói.
Nhiều DN khác cũng đề xuất cần ưu tiên cho du lịch để ngành phát triển xứng tầm và ưu tiên đầu tiên là từ visa. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Tổng Giám đốc Công ty Image Travel & Event, phân tích những thị trường có ngành du lịch phát triển đều ưu tiên và thông thoáng trong chính sách visa. Visa được "rộng mở" sẽ kích thích sản phẩm du lịch đi theo dựa theo nhu cầu thật của khách hàng.
"DN không thể đoán trước và chuẩn bị cho thị hiếu của du khách - nhất là với những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Úc… khách có nhu cầu rất đa dạng và không theo xu hướng như trong nước. Mỗi chuyến đi là mỗi đòi hỏi khác nhau, DN chỉ chuẩn bị nhân sự giỏi ngôn ngữ và văn hóa để nhận yêu cầu về sản phẩm theo ý khách" - ông Toản nhấn mạnh.
Cải thiện hạ tầng sân bay đón khách
Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đón hơn 3,68 triệu lượt khách - gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước dịch COVID-19, Việt Nam đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế. Ngành du lịch dù đã chính thức mở cửa từ tháng 3-2022 nhưng chỉ đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách cho cả năm 2023.
"Có thể sân bay và đường bay thiếu cũng là lý do khiến giá vé máy bay cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng sức cạnh tranh và sự thiếu vắng khách quốc tế. Việc thiếu vắng khách du lịch thị trường xa là vấn đề chung của thế giới do giá máy bay chứ không chỉ riêng nước ta. Vẫn có những nước vượt khó nhờ chính sách ưu tiên du lịch và Việt Nam cần sự ưu tiên này để đột phá trong phục hồi du lịch" - ông Nguyễn Ngọc Toản nói.
Bình luận (0)