Ngày 5-11, hội nghị liên kết du lịch giữa TP HCM và tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19 sẽ được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là điểm đến tiếp theo sau Bến Tre, Long An trong lộ trình kết nối du lịch giữa TP HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL nhằm kích hoạt để sớm khôi phục ngành du lịch sau giãn cách xã hội.
Kết nối lại những điểm đến an toàn
Theo Sở Du lịch TP HCM, từ những chương trình tham quan nội vùng đến Cần Giờ, Củ Chi… cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; đến chương trình tham quan thí điểm Củ Chi - Tây Ninh đem lại kết quả thành công bước đầu, ngành du lịch thành phố đã tiếp tục tổ chức liên kết phát triển du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19 với các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và hiện nay là kết nối với các tỉnh, thành ĐBSCL như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp.
Du khách TP HCM tham quan điểm đến ở Long An sau giai đoạn giãn cách .Ảnh: BÌNH AN
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhấn mạnh những hoạt động kết nối, liên kết nhằm nhanh chóng khởi động trở lại hoạt động du lịch, thúc đẩy du khách nội địa đi tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của các vùng miền. Việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến cũng góp phần đáp ứng nhu cầu đi du lịch liên tuyến, liên địa phương của du khách trong và ngoài nước trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19.
Theo lãnh đạo ngành du lịch TP HCM, nhiều điểm đến ở ĐBSCL rất có tiềm năng trong phát triển du lịch nếu được đầu tư, khai thác hiệu quả. Như Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP HCM như du lịch gắn với mùa nước nổi, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với làng nghề truyền thống, du lịch gắn với ẩm thực vùng đất sen hồng. Do đó, TP HCM xác định Đồng Tháp là điểm đến chủ lực với nhiều sản phẩm du lịch và kết nối với các tỉnh lân cận vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành tại thành phố cho biết họ rất chú trọng và quan tâm khai thác tour, tuyến, chương trình du lịch phục vụ khách nội địa đến điểm du lịch tại Bến Tre, Long An, Đồng Tháp hoặc khách từ các vùng, miền trên cả nước đến TP HCM rồi kết nối với các tỉnh, thành ở ĐBSCL tạo nên chương trình du lịch liên tuyến hấp dẫn vì có nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lý.
Dự kiến trong thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai chương trình liên kết với các tỉnh trên tinh thần "an toàn đến đâu, mở cửa du lịch đến đó" và "du lịch phải an toàn". Hiệu quả lớn nhất từ những chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và các địa phương sau giai đoạn giãn cách, theo nhiều DN, sẽ giúp "đánh thức" ngành du lịch đang "ngủ đông" vì dịch, từng bước kích thích nhu cầu đi du lịch an toàn của người dân và góp phần khôi phục ngành…
Thí điểm đón khách quốc tế, kết nối với ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị liên kết du lịch với tỉnh Bến Tre vừa qua, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP HCM và các địa phương sẽ tăng cường mở rộng xây dựng và chào bán các sản phẩm liên tuyến, liên vùng (vùng xanh). Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho một số tỉnh, thành mở cửa đón khách quốc tế bảo đảm các tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TH-DL) cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. "Với du khách đăng ký tour trên 7 ngày, sau khi được xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 7, có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác được phép đón khách nhưng vẫn phải theo tour trọn gói, khép kín. Chủ trương này sẽ mở ra cơ hội để đón khách quốc tế đến TP HCM và các địa phương trong chương trình liên kết. TP HCM cũng sẽ phát huy tối đa vai trò "đầu mối" - nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình du lịch liên kết" - bà Phan Thị Thắng nói.
Ngày 4-11, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, ngành du lịch TP HCM đã dự thảo đề án tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến TP HCM sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" cuối năm 2021 và năm 2022. Theo đó, ngành du lịch TP HCM dự kiến chia làm 3 giai đoạn đón khách quốc tế trở lại. Giai đoạn 1 ngay từ tháng 12-2021 sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, khép kín thông qua chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế, qua phương tiện du lịch đường thủy tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP HCM.
Giai đoạn 2 từ tháng 1-2022 sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, cho phép tất cả DN lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định được phép phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP HCM thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ, thông qua các phương tiện du lịch đường thủy.
Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhận định việc các nước trong khu vực đều đã mở cửa hoặc công bố lộ trình mở cửa đón khách quốc tế, trong đó có cả những thành phố lớn thì đề xuất của TP HCM thí điểm đón khách quốc tế ngay trong năm nay là rất cần thiết.
"TP HCM là trung tâm dịch vụ của cả nước, có cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đầy đủ, các DN trong lĩnh vực du lịch rất năng động, cùng với tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của thành phố rất cao thì việc đón khách quốc tế hoàn toàn phù hợp" - ông Trần Đoàn Thế Duy nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho rằng liên kết du lịch giữa TP HCM và ĐBSCL sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa khi thí điểm đón khách quốc tế đến TP HCM. Bởi TP HCM hiện không chỉ là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước mà sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là trung tâm nhận và trung chuyển nguồn khách quốc tế đi các điểm đến lân cận, trong đó có ĐBSCL.
"Nếu xét theo độ phủ vắc-xin, hiện TP HCM là điểm đến an toàn và đáp ứng yêu cầu thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc-xin". Khi đề xuất thí điểm được thông qua, nguồn khách quốc tế đến TP HCM sau đó có thể đi những tour khép kín, tour trọn gói khám phá các điểm đến ở ĐBSCL, gia tăng hiệu quả liên kết du lịch cũng như thêm sự lựa chọn cho du khách và nhanh chóng khôi phục ngành du lịch" - ông Yên phân tích.
"Cờ Tổ quốc biên cương" và "Tình thương cho em" đến Đồng Tháp
Hôm nay (5-11), trong khuôn khổ hội nghị Liên kết du lịch giữa TP HCM và tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19", Báo Người Lao Động sẽ trao 10.000 lá cờ đợt 2 (đợt 1 đã trao 1.000 lá cờ cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) trong chương trình "Cờ Tổ quốc biên cương" cho các chiến sĩ, đồng bào ở vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Dịp này, chương trình "Tình thương cho em" của Báo Người Lao Động sẽ phối hợp với LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp trao 10 suất học bổng với tổng số tiền 50 triệu đồng cho 10 em (mỗi suất 5 triệu đồng) là con của người lao động chết vì Covid-19. Đây là món quà nhằm giúp các em xoa dịu bớt nỗi đau mất cha, mẹ vì dịch bệnh, trở nên mồ côi khi còn rất nhỏ.
Q.Trường
Cần Thơ: Phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh
Ngày 4-11, Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ phối hợp với Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển sản phẩm du lịch TP Cần Thơ". Nhiều diễn giả khẳng định Cần Thơ có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nói riêng của địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các sản phẩm du lịch chưa được sự đầu tư theo chiều sâu để tạo ra những giá trị mới độc đáo và hấp dẫn, nên khả năng thu hút và lưu giữ khách chưa cao. Vì vậy, TP Cần Thơ chủ yếu chỉ là điểm dừng chân và trung chuyển của du khách đến các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, nhận định để thu hút du khách, công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu du lịch đóng vai trò quan trọng. "Để có sản phẩm độc đáo thì cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương, ý kiến đóng góp của nhà khoa học, DN, khảo sát nhu cầu thị hiếu của du khách để phát triển sản phẩm mang giá trị đặc trưng là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành du lịch Cần Thơ" - ông Tuấn cho biết.
C.Linh
Bình luận (0)