Sáng sớm 2-2 (12 tháng Giêng âm lịch), trong cái se lạnh đầu Xuân, dòng người kéo về khu vực trước đình làng Thai Dương, phường Thuận An, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) để hòa mình trong không khí lễ hội truyền thống cầu ngư năm Quý Mão 2023.
Lễ hội cầu ngư tổ chức trước đình làng Thai Dương
Lễ hội bắt đầu bằng những tiếng trống rộn ràng, màn biểu diễn của đoàn lân sư rồng và múa hát truyền thống cầu ngư.
Phát biểu tại lễ hội, ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng Ban điều hành làng văn hóa Thai Dương, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, đã nhắc nhở cho con dân trong làng về cội nguồn, lịch sử làng: Làng văn hóa Thai Dương là một trong 19 làng của Tổng Vĩnh Trị, thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, vùng Thuận Hóa. Trước đây, tên làng Thai Dương gắn liền với một sự tích của người Chăm Pa. Đây là một làng cổ có từ lâu đời, xuất hiện ngay sau khi nhà Trần ở thế kỷ thứ XIV tiếp quản châu Ô và châu Lý.
Tái hiện cảnh đánh cá
Ông Mai cho biết: "Làng Thai Dương là một địa danh nổi tiếng về thắng cảnh của Thừa Thiên - Huế. Vua Thiệu Trị đã xếp làng Thai Dương là một trong "Thần kinh nhị thập cảnh" - hai mươi thắng cảnh của Kinh thành Huế. Trong lịch sử xây dựng và phát triển làng, dưới thời vua Tự Đức được ban tặng một bức hoành phi với bốn chữ vàng là Văn - Vật - Danh – Hương, gắn liền đình làng Thai Dương, Trấn Hải Đài, miếu Âm Linh, và di tích lịch sử văn hóa quý giá là niềm tự hào và kiêu hãnh của dân làng và cho các thế hệ con cháu của làng mai sau".
Hoạt cảnh đánh cá cầu mưa thuận gió hòa
Tại lễ hội, các cao niên làng Thai Dương đã đánh trống khởi lệnh làm trò trên bờ, dưới nước để tái hiện hoạt động đánh bắt cá của cư dân làng chài. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, nậu lưới… Đám trẻ trong làng mặc trang phục hoá trang thành những con tôm, cá nhỏ, người lớn thì quây lưới thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt cá. Hoạt động nhằm thể hiện ước mong một mùa vụ mùa tôm cá đầy thuyền, ra khơi đánh bắt bình an, cầu mưa thuận gió hòa. Tiếp đó, người dân và du khách còn được xem đua thuyền trên phá Tam Giang. Tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ liên hồi của người dân trên bờ cũng như trên các thuyền đậu dọc hai bên bờ sông càng khiến cho không khí đầu xuân càng thêm náo nhiệt.
Đình làng Thai Dương hướng ra phá Tam Giang
Được biết, lễ hội này đã có từ hàng trăm năm nay. Cứ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, gọi là " Tam niên đáo lệ", con dân của làng lại tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi người, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng. Lễ hội cũng nhằm tỏ lòng nhớ ơn công đức ngài khai canh của làng là ngài Trương Quý Công tức ông Trương Thiều - công dân đầu tiên và vị tôn sư xử Sỷ Hoàng đại Lang - một văn nhân nổi tiếng của làng được làng tôn vinh là vị khai khẩn. Cả hai vị đều được các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định ban tặng "Thần sắc Tôn Thần Thần vị".
Một số hình ảnh trên bờ, dưới nước để tái hiện hoạt động đánh bắt cá của cư dân làng chài:
Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, nậu lưới…
Đám trẻ trong làng mặc trang phục hoá trang thành những con tôm, cá nhỏ, người lớn thì quây lưới thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt cá
Hoạt cảnh câu cá
Gánh cá đi bán
Kéo rớ
Một số hình ảnh đua thuyền trên phá Tam Giang tại lễ hội
Người dân, du khách chen chúc trên bờ, dưới nước để xem
Bình luận (0)