Nằm gần cửa Vườn quốc gia Cúc Phương (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), công trình "Nhà Cộng đồng kết hợp nhà hàng Vedana" có tổng chiều cao lên đến 16 m, tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng, bán kính mái khoảng 18 m, rộng 1.000 m2, một không gian khổng lồ được tạo nên bởi hơn 70.000 cây tre.
Đây là công trình kiến trúc bằng tre lớn nhất từng được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thực hiện. Kiến trúc ngôi nhà tre này từng chiến thắng tại Giải thưởng Dezeen 2021, giải thưởng thường niên để ghi nhận những công trình kiến trúc mới, ấn tượng nhất từ các quốc gia trên thế giới.
Khách thích thú check-in ở công trình kiến trúc bằng tre độc đáo
Công trình được tạo nên bởi hơn 70.000 cây tre
Cấu trúc tre gồm 36 khung tre tạo nên hình thức mái vòm 3 tầng mái được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống. Điều đặc biệt là không hề có bất cứ một vật liệu kim loại nào để kết nối các thân tre. Với kỹ thuật đặc biệt, thân tre được gắn kết lại với nhau bằng thanh tre vót nhọn và các loại dây dù.
"Cây tre sau khi được xử lý ngâm, tẩm, sấy sẽ không bị mối mọt, độ bền cao không thua kém gì vật liệu công nghiệp nhưng lại gần gũi với thiên nhiên và không phá hoại môi trường. Để làm nên công trình này, chúng tôi đã phải tìm vào Tây Ninh đặt mua tre và thuê chính những người thợ có kinh nghiệm ở Tây Ninh làm trong 2 năm sau đó đưa ra Cúc Phương để thi công xây dựng"- ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương, chia sẻ.
Công trình gây ấn tượng bởi sự hài hòa, gắn kết với thiên nhiên với rất nhiều vòm cửa, trần có thế tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành
Ngôi nhà tre khổng lồ nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort, cùng với một nhà đón tiếp được xây dựng với 23.000 cây tre và trung tâm hội nghị với 113.000 cây tre đã tạo thành công trình có kiến trúc bằng tre lớn nhất miền Bắc hiện nay.
Đặc biệt, các "công trình xanh" gần gũi thiên nhiên này được xây dựng trên diện tích hơn 15 ha, vốn là bãi đá lộ đầu của xã vùng cao Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), trước đây đến cây cỏ cũng không mọc được, người dân bỏ hoang bao đời nay.
Hiện nay, du khách đến khu vực này ngoài trải nghiệm không gian trong lành, tĩnh lặng, cách biệt với thế giới bên ngoài, hòa mình với thiên nhiên nguyên sơ còn có thể tham quan nhà Bảo tàng văn hoá Mường mà Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương tâm huyết xây dựng, thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của nhiều nghệ sỹ, diễn viên không chuyên là đồng bào các dân tộc trong huyện, tìm hiểu văn hóa bản địa của người Mường cổ,...
Một căn Bungalow độc đáo bằng tre
Đây là quần thể kiến trúc xanh tối đa hóa các vật liệu từ thiên nhiên, tỷ lệ bê tông hóa hạn chế ở mức thấp nhất.
Từ đây, du khách có thể dễ dàng tham gia du lịch trải nghiệm trong rừng nguyên sinh Cúc Phương với hệ sinh thái đa dạng, trong đó có những tour đặc sắc hoàn toàn miễn phí như "Đưa thú về nhà". Với tour này, du khách có thể đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về rừng - về với "ngôi nhà tự nhiên".
"Những lần chứng kiến du khách tham gia tái thả động vật, tôi rất cảm động vì cộng đồng xã hội ngày càng trân quý thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các bạn trẻ. Đây là sự động viên lớn nhất cho những người làm công tác bảo tồn. Qua đây càng khẳng định, "vào rừng để về nhà"- đúng tâm niệm những người trong ngành"- ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, chia sẻ.
Bình luận (0)