Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc bằng đá có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.
Thành nhà Hồ được xem là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Thành thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học, sử học chưa thể lý giải về quá trình xây dựng tòa thành đá này.
Cận cảnh công trình bằng đá "độc nhất vô nhị" ở xứ Thanh và là di sản văn hóa của thế giới:
Thành nhà Hồ là kinh đô duy nhất xây dựng chủ yếu bằng đá, rất hiếm trên thế giới
Thành có 4 cổng, trong đó cổng Nam là cổng chính. Toàn bộ cổng Nam dài hơn 34 m, cao 10 m, dày 15 m. Cổng được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau
Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, toàn bằng đá nên Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích kinh thành đã tồn tại được qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai
Trải qua hơn 600 năm, các cổng của Thành nhà Hồ vẫn gần như giữ được nguyên vẹn. Trong hình là cổng thành phía Bắc
Bên trong thành, người dân địa phương vẫn canh tác bình thường
Những cánh đồng lúa xanh mướt, bình yên trong nội thành
Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5 m, cao 1 m, dày 0,7 m, nặng khoảng 15 đến 20 tấn
Dưới tác động của thiên nhiên, các phiến đá trở nên rêu phong, cổ kính
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, công trình đã có một số điểm sạt lở do thiên tai
Những điểm sạt lở này đều đã được đặt biển cảnh báo
Nhiều tảng đá lớn nằm ngổn ngang tại khu vực tường thành phía Bắc, tại đây ghi nhận có một số điểm sạt lở
Thân tường thành được đắp bằng đất
Hiện bên trong nội thành, có rất nhiều đợt khai quật, qua đó phát hiện rất nhiều cứ liệu quan trọng giúp cho việc phục dựng, trùng tu lại những kiến trúc từng tồn tại dưới triều Hồ
Bình luận (0)