Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, đến tháng 9-2021 cả nước có 239 dự án liên quan BĐS du lịch triển khai ở 15 địa phương đang gặp vướng mắc với gần 170.000 căn. Trong đó, căn hộ du lịch (condotel) là hơn 114.097, ước tính giá trị 297.128 tỉ đồng; 24.399 biệt thự, ước tính giá trị 243.990 tỉ đồng và 30.899 nhà phố du lịch thương mại (shophouse) ước tính giá trị 154.245 tỉ đồng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng BĐS du lịch có 5 "cái chưa", gây thách thức đối với loại hình BĐS này. Đó là chưa được định danh; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng..); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này...
Việc nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng chưa cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, gây bức xúc đối với bên mua
GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Luật TP HCM), trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng hiện nay ở Khánh Hòa và một số địa phường còn có khái niệm "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có trong quy định Luật Đất đai. Đây là loại đất để làm BĐS du lịch gắn với du lịch, nghỉ dưỡng nhưng không hình thành các hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, y tế... Việc nhà đầu tư thứ cấp mua loại hình này nhưng chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng kéo theo 3 hệ lụy là không được chuyển nhượng BĐS, thế chấp BĐS. Hệ lụy đầu tư sẽ tạo tâm lý e ngại khi đầu tư ở địa phương, không thu hút được các nguồn vốn khiến dự án trì trệ, gây lãng phí về đất đai kéo dài. Hệ lụy xã hội là người dân mất niềm tin vào chính quyền, gây bất ổn xã hội do khiếu nại, khiếu kiện mà một số chủ đầu tư gặp phải trong thời gian vừa qua.
Một số chuyên gia trong tham luận của mình đã kiến nghị cần quy định một cơ quan nhất định để quản lý cấp phép BĐS du lịch, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm; cần cấp quyền sở hữu cho loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng để tạo hành lang pháp lý cụ thể và sự an tâm cho nhà đầu tư với các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình. TS Cấn Văn Lực cho rằng trong khi chờ các luật công nhận "danh phận" BĐS du lịch thì cần Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành nghị định để tháo gỡ vướng mắc cho loại hình BĐS đã nêu.
Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc ban hành thông tư hướng dẫn sẽ không dễ để các bộ liên quan thực hiện vì chưa có quy định pháp luật. "Cần kiến nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá cụ thể về các mặt liên quan đến các dự án, loại hình sản phẩm BĐS du lịch đang vướng mắc. Từ đó, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết để xử lý vấn đề đã nêu. Vấn đề này chỉ Quốc hội mới đủ thẩm quyền" - ông Lý nhấn mạnh.
Bình luận (0)