Khoảng 1 tuần nữa ngành du lịch bước vào kỳ nghỉ lễ 2-9 kéo dài 4 ngày. Ngày 24-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết dù kỳ nghỉ lễ đã cận kề nhưng công suất đặt phòng chỉ mới đạt từ 20%-40%. Đây là con số khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm trước.
Khách dần "bỏ rơi" Vũng Tàu
Theo chị Thùy Trâm, khách sạn Ngọc Hạnh (TP Vũng Tàu), khách sạn đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo để đón khách. Tuy nhiên, lượng khách đặt qua các ứng dụng đặt phòng và trực tiếp mới chỉ được khoảng 20%. "Lượng khách rất thấp, đặc biệt từ khi đường cao tốc đi Phan Thiết (Bình Thuận) đi vào hoạt động, có thể đã bị chia sẻ, lượng khách giảm rõ rệt, dù giá phòng cũng đã giảm hơn" - chị Trâm lo lắng.
Vũng Tàu vắng khách hơn sau khi nhiều tuyến cao tốc đi Nha Trang, Phan Thiết hoạt động. Ảnh: NGỌC GIANG
Đồng quan điểm, nhiều chủ khách sạn, resort tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đánh giá lượng khách có xu hướng giảm và lựa chọn Phan Thiết là điểm đến, thay vì đi Vũng Tàu như trước đây.
Một chủ khách sạn 4 sao tại TP Vũng Tàu cho hay đến thời điểm này, mới có gần 100 phòng đặt trước, công suất đạt khoảng 30%, trong khi năm trước đạt từ 50%-60%. Trên các hệ thống đặt phòng như Agoda.com, Booking.com, khachsan.chudu.24h.com, trivago.vn..., nhiều phòng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang giảm giá mạnh và số phòng trống vẫn còn nhiều.
Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch lo ngại và mong muốn ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều kế hoạch, phương án để thu hút khách đến với tỉnh, đồng thời cũng cần có thêm các sản phẩm để níu chân du khách.
Chị Minh Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết kỳ nghỉ hè vừa rồi, chị đưa gia đình đi du lịch ở cả Phan Thiết, Vũng Tàu và Nha Trang sau khi các tuyến cao tốc mới như Dầu Giây - Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động.
Vũng Tàu trước đây vốn là điểm đến ưu tiên hàng đầu của gia đình chị vào dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết vì di chuyển chỉ khoảng 2 giờ. Nhưng từ khi có đường cao tốc, Mũi Né, Phan Thiết hay cả Nha Trang đang trở thành lựa chọn thay thế. Phan Thiết trước đây di chuyển 3-4 giờ bằng xe cá nhân, nay chỉ còn hơn 2 giờ; Nha Trang thay vì di chuyển 8-9 giờ thì nay chỉ còn 6-7 giờ.
Không chỉ khách đi tự túc, nhiều đoàn khách của các doanh nghiệp đặt theo tour đi team building cũng ưu tiên chọn Mũi Né, Phan Thiết hoặc xa hơn là tới Nha Trang.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Kiwi Travel, cho biết Vũng Tàu chủ yếu là khách đi tự túc nên không thấy sự khác biệt nhiều. Nhưng ở phân khúc khách đoàn đi team building của các doanh nghiệp, lượng khách đặt tour đi Phan Thiết cao hơn hẳn Vũng Tàu.
"Cùng một bữa ăn chi phí 200.000 đồng/khách nhưng ăn ở Phan Thiết sẽ thoải mái hơn nhiều so với Vũng Tàu. Trước đây, thời gian di chuyển nhiều hơn nên khách ưu tiên chọn Vũng Tàu, nay thì ngược lại. Thời gian đi lại được rút ngắn nên chi phí thuê xe cũng giảm đáng kể" - ông Huy nói.
Nâng chất để giữ khách
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing và Truyền thông Công ty Du lịch TSTtourist, cho rằng đường cao tốc đang "vẽ" lại bản đồ du lịch bằng cách giúp du khách di chuyển nhanh chóng và thuận tiện giữa các địa điểm khác nhau. Du lịch cũng hưởng lợi vì có thể phát triển mạnh tour, sản phẩm trên toàn tuyến.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết trước đây tour đường bộ từ TP HCM đi Phan Thiết có thời gian di chuyển trên 5 giờ, đoàn thường khởi hành buổi sáng sớm, dừng ăn trên đường đi, đến nơi khoảng sau 14 giờ mới nhận phòng. Nhưng khi có đường cao tốc, thời gian di chuyển rút ngắn, các công ty du lịch sẽ bổ sung thêm hoạt động, trải nghiệm cho khách.
"Điểm đến Nha Trang du khách thường chọn máy bay để tiết kiệm thời gian dù cung đường bộ đi ra Nha Trang rất đẹp, thú vị. Khi có đường cao tốc, thời gian di chuyển giữa hàng không và đường bộ không chênh lệch đáng kể nữa, nhiều gia đình ưa thích khám phá sẽ có thêm lựa chọn đi đường bộ" - bà Trà nói.
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón hơn 8,5 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch hơn 8.829 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành du lịch đang gặp nhiều thách thức và liên tục tìm các kế hoạch, phương án để thu hút khách. Sắp tới, ngành du lịch tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội độc đáo để thu hút khách...
Với những điểm đến như Phan Thiết, Mũi Né, các doanh nghiệp nhận định cơ hội rất lớn trong thu hút du khách nhưng để phát triển bền vững và kéo khách trở lại, việc duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ điểm đến là rất cần thiết.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Vinagroup, phân tích giá tour 2 ngày 1 đêm ở Vũng Tàu có thể tương đương hoặc chỉ thấp hơn một chút so với tour 3 ngày 2 đêm ở Phan Thiết.
Kinh tế khó khăn nên khách hàng doanh nghiệp phải tính toán chi phí tiết kiệm nhất. Điểm đến nào di chuyển thuận tiện, chi phí ăn uống, khách sạn hợp lý họ sẽ ưu tiên lựa chọn. Về lợi thế này, Mũi Né, Phan Thiết đang nổi bật hơn hẳn so với Vũng Tàu.
Bình luận (0)