Chị Vân Khánh (ngụ quận 3, TP HCM) đang chờ xin visa đi Nhật Bản theo đoàn sau khi mua tour trọn gói của một công ty du lịch. Chị đã nộp hồ sơ cho công ty du lịch từ đầu tháng 2-2023 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả visa. Nguyên nhân được phía công ty lý giải là chỉ nộp hồ sơ xin visa một lần cho cả đoàn nên phải đủ hồ sơ mới nộp.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup, cho biết phía Nhật Bản yêu cầu chứng minh tài chính khi xin visa Nhật là sổ tiết kiệm phải có kỳ hạn ít nhất 3 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ nên nhiều người chưa đáp ứng được.
Nhật Bản là điểm đến được yêu thích của du khách Việt, đặc biệt vào mùa hoa anh đào .Ảnh: LÊ ĐỨC NHÂN
"Rất nhiều người có điều kiện, có tài chính nhưng không gửi tiết kiệm nên gặp khó khi xin visa du lịch Nhật. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị chính sách xét visa của Nhật có thể bằng nhiều cách khác nhau, tạo điều kiện cho du khách đến xứ sở hoa anh đào thời điểm này" - ông Trần Thanh Vũ nói.
Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), chỉ trong tháng 2-2023, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 55.800 lượt người. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp vượt trên 50.000 lượt người, vượt qua cả mốc cao nhất là 55.295 lượt đạt được vào tháng 4-2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Tháng 3 và 4 hằng năm là thời điểm Nhật Bản đón nhiều khách quốc tế đến ngắm hoa anh đào. Dự kiến khách Việt Nam đến Nhật Bản tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Kenji Yoshida, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, cho biết vào thời điểm mở cửa trở lại du lịch Nhật Bản vào tháng 9-2022, quy định khi nhập cảnh Nhật Bản đã thay đổi so với trước giai đoạn dịch COVID-19. Vì vậy, thủ tục xin visa có phần phức tạp hơn, thời gian xin visa lâu hơn nhưng hiện nay cũng đã dần được cải thiện.
"Cấp visa là nghiệp vụ của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán, vì vậy ở vai trò của mình, JNTO không nắm rõ chi tiết về việc xin visa mà các công ty du lịch thực hiện. Tuy nhiên, chắc hẳn có những trường hợp bị kéo dài thời gian xét duyệt hoặc không được cấp visa vì một số lý do như thời điểm xin hoặc hồ sơ xin visa" - ông Kenji Yoshida nói.
Đối với hoạt động quảng bá du lịch Nhật Bản mà JNTO thực hiện, ông Kenji Yoshida cho biết luôn có sự đồng hành của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán, cùng xúc tiến du lịch Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam. Vì vậy, khi có ý kiến từ phía công ty du lịch yêu cầu cần cải tiến, điều chỉnh, JNTO tại Việt Nam sẽ cùng thảo luận với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán, từ đó nghiên cứu phương án xử lý phù hợp nhất.
Bình luận (0)