xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai được phép kinh doanh lữ hành quốc tế?

Võ Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist

Với kinh nghiệm của một người làm du lịch lâu năm, ông Võ Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đã trình bày một số ý kiến nhằm đóng góp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc hoàn thiện dự thảo lần 2 Luật du lịch (sửa đổi) trước khi chính thức trình Quốc hội thông qua.

Luật Du lịch hiện hành (Số 44-2015-QH11) có hiệu lực từ ngày 1-1-2006, đến nay đã hơn 10 năm, khẳng định một bước tiến lớn về khuôn khổ pháp lý và phục vụ cho việc quản lý, phát triển du lịch Việt Nam. Hơn 10 năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tiến dài cả về lượng lẫn về chất. Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2006 là 3,6 triệu lượt, đến năm 2015 đã tăng gấp 2, đến 7,94 triệu lượt. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, đến nay Luật Du lịch có một số vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, như các quy định liên quan đến chính sách về ưu đãi đầu tư, điều kiện kinh doanh lữ hành...

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời cũng đã trở thành thành viên WTO. Xu hướng hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới vừa tạo ra cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay (bình quân trên 6%/năm), mức tăng dân số hiện nay (trên 1 triệu người/năm) và tốc độ tăng trưởng ấn tượng của khách du lịch nội địa nói riêng và khách du lịch nói chung, cần thiết phải có sự tu chỉnh Luật Du lịch để tăng cường quản lý, thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh lữ hành phát triển hơn nữa.

Về việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Trong dự thảo lần này đã có định nghĩa thế nào là kinh doanh lữ hành và liệt kê các loại hoạt động kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, để minh bạch, tránh nhầm lẫn, nên chăng cần có quy định rõ: thế nào là hoạt động lữ hành quốc tế? kinh doanh lữ hành quốc tế bao gồm những hoạt động gì? các hoạt động kinh doanh, đối tượng kinh doanh nào cần được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế? Ví dụ: Các quầy bán tours cho khách quốc tế/nội địa tại các khách sạn, các văn phòng bán tours tại các phố du lịch bán các chương trình tours, dịch vụ du lịch cho khách lưu trú, khách du lịch tự do… có cần phải có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế không?

Kinh doanh lữ hành có thể xem là hoạt động kinh doanh đặc biệt, có điều kiện, liên quan đến con người, tính mạng con người, an ninh an toàn, hình ảnh & uy tín đất nước..., do vậy cần có phương thức quản lý thích hợp được luật hóa. Hiện nay, số lượng đơn vị kinh doanh lữ hành cả nước được cho là quá nhiều so với nhu cầu (theo thống kê của Tổng cục Du lịch, số lượng đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp giấy phép đến tháng 6 năm 2015 là 1.533 doanh nghiệp), dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, giảm sút chất lượng phục vụ… Đã có các ý kiến về việc nên chăng cần có sự tính toán, quy định số lượng đơn vị được cấp giấy phép theo từng loại hình kinh doanh lữ hành, tối đa cho từng giai đoạn phát triển để đảm bảo các đơn vị hoạt động chất lượng, hiệu quả, cũng như đảm bảo các cơ quan chức năng giám sát, quản lý tốt việc tuân thủ các quy định của các đơn vị kinh doanh lữ hành.


Lữ hành Saigontourist đón tiếp đoàn khách tàu Ovation of the Seas - tàu biển lớn nhất châu Á

Lữ hành Saigontourist đón tiếp đoàn khách tàu Ovation of the Seas - tàu biển lớn nhất châu Á

Ngoài ra, theo Khoản 3, Điều 42 của dự thảo, điều kiện kinh doanh lữ hành và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành có quy định “Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành du lịch trở lên và có giấy chứng nhận nghiệp vụ điều hành du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp”. Cần định nghĩa “Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành” là ai? Hoặc điều chỉnh thành “Người đại diện theo pháp luật” của đơn vị, để đảm bảo sự rõ ràng và chính xác trong việc thực hiện.

Cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực (trong đó điểm nhấn là việc tham gia vào WTO), các đơn vị kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã và đang được thành lập tại Việt Nam. Và theo luật định, đơn vị kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam (không được phép kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành đối với khách từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào). Luật cần nêu chi tiết, cụ thể hơn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam của đơn vị kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo việc thực thi theo đúng quy định. Hiện tại, có các trường hợp đơn vị kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài tìm cách “lách luật” để kinh doanh thêm mảng du lịch ra nước ngoài và thậm chí cả du lịch nội địa. Điều này trái luật, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, quyền lợi của khách du lịch cũng như các hệ lụy liên quan do né tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, kinh doanh không phép, trái phép, kinh doanh núp bóng (nhất là đối với kinh doanh du lịch quốc tế), nhái thương hiệu trong kinh doanh lữ hành là khá phổ biến, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch Việt Nam, vừa gây thiệt hại cho khách du lịch, cũng như thất thu thuế. Trong Luật mới chỉ thể hiện phần quản lý Nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành có đăng ký, có giấy phép kinh doanh lữ hành, nhưng chưa thấy thể hiện nội dung nhằm xây dựng môi trường kinh doanh du lịch minh bạch, bình đẳng, chấn chỉnh kịp thời các mặt tiêu cực, phạt nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh không phép, kinh doanh núp bóng, nhái thương hiệu. Trong thực tế, mức phạt hành chính tối đa trong lĩnh vực du lịch là 50.000.000 đồng (theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP năm 2013) chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tái phạm việc kinh doanh không phép, trái phép, kinh doanh núp bóng...

Về Tiền ký quỹ, dự thảo có quy định như sau: “Tiền ký quỹ là tiền đơn vị kinh doanh lữ hành phải gửi vào tài khoản ký quỹ tại ngân hàng nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh lữ hành. Tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với khách du lịch trong hoạt động kinh doanh lữ hành”. Trong các năm qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch TP HCM nhiều lần kiến nghị Tiền ký quỹ được tính lãi suất có kỳ hạn thay vì lãi suất không kỳ hạn, và cần có quy định cơ sở để sử dụng Tiền ký quỹ đúng theo mục đích đã đề ra.

Về “Ký hợp đồng lữ hành với khách du lịch”

Thỏa thuận cung cấp dịch vụ của các hãng lữ hành cho khách du lịch rất đa dạng, từ dịch vụ lẻ như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, vé tàu hỏa, mua vé xem biểu diễn (múa rối nước, các show nghệ thuật…), đến các tours ngắn ngày (Tham quan city tour, tham quan các thành phố / tỉnh lân cận...) đến các tour trọn gói xuyên Việt dài ngày, các chương trình M.I.C.E phức tạp... Giao dịch giữa hãng lữ hành với du khách có thể được thể hiện dưới các hình thức mà Bộ luật Dân sự cho phép như vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xem biểu diễn, vé tham quan, vé tour…


Khách hàng chờ mua dịch vụ tour trong một chương trình ưu đãi của Lữ hành Saigontourist

Khách hàng chờ mua dịch vụ tour trong một chương trình ưu đãi của Lữ hành Saigontourist

Các giao dịch về cung cấp dịch vụ du lịch giữa các hãng lữ hành với các pháp nhân và thể nhân là các công ty, xí nghiệp, trường học, cơ quan… thường được lập thành hợp đồng dưới dạng văn bản. Luật Du lịch hiện hành ra đời khi thương mại điện tử chưa phát triển. Hiện nay và trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong các giao dịch thương mại dịch vụ trong và ngoài nước nói chung, du lịch trong nước và quốc tế nói riêng. Các dạng thỏa thuận, cam kết trực tuyến (Ví dụ: online contracts, booking terms & conditions...) hiện và sẽ rất phổ biến.

Hợp đồng lữ hành, hợp đồng thực hiện 1 chương trình du lịch hay cung ứng các dịch vụ du lịch cho du khách hoặc các tổ chức là thỏa thuận pháp lý giữa hãng lữ hành với du khách và các tổ chức. Trong trường hợp hãng lữ hành này giao lại một phần hay thậm chí toàn bộ chương trình du lịch hay dịch vụ du lịch cho một đơn vị khác phục vụ thì hãng lữ hành đón và phục vụ khách cũng chỉ là “nhà thầu phụ” (sub-contractor) của hãng lữ hành gửi khách (thông qua một hợp đồng hợp tác tiếp theo giữa hãng lữ hành và đơn vị “thầu phụ”). Sự hợp tác này cũng diễn ra phổ biến giữa các đối tác gửi / nhận khách inbound, hợp tác giữa các công ty lữ hành quốc tế và nội địa tại Việt Nam với các công ty du lịch địa phương. Du khách và các tổ chức chỉ quan tâm đến những thỏa thuận, cam kết với hãng lữ hành mà họ giao dịch trực tiếp ban đầu. Do vậy, trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn và không khả thi khi yêu cầu du khách hoặc các tổ chức ký kết thêm hợp đồng với “nhà thầu phụ” (doanh nghiệp lữ hành nhận khách) để đảm bảo đúng quy định trong dự thảo (Điều 51).

Do vậy, Luật Du lịch sửa đổi cần bao quát các trường hợp, các dạng giao dịch nêu trên khi quy định về “Hợp đồng lữ hành với khách du lịch” và “Hợp đồng lữ hành”. Hợp đồng lữ hành với khách du lịch có thể được lập thành văn bản hoặc dưới các hình thức khác (vé, voucher, hợp đồng trực tuyến...) mà Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cho phép.

Tại Điều 51 (Hợp đồng lữ hành) của dự thảo, khoản 5 dưới đây cần được xem xét lại hoặc hủy bỏ do không phù hợp với tình hình thực tế và không khả thi khi thực hiện: “Khách du lịch mua chương trình du lịch, dịch vụ lữ hành thông qua doanh nghiệp lữ hành gửi khách thì hợp đồng lữ hành là hợp đồng giữa doanh nghiệp lữ hành nhận khách (doanh nghiệp trực tiếp tổ chức chương trình du lịch, dịch vụ du lịch đó) với khách du lịch, đồng thời có ghi tên, địa chỉ của doanh nghiệp lữ hành gửi khách.”

Ngoài các nội dung đã được đề cập trong dự thảo, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cần bổ sung thêm vai trò, chức năng, quyền hạn… của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam… đối với công tác quản lý và hoạt động du lịch, nếu như chúng ta muốn các tổ chức này tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn vào công tác quản lý du lịch. Thực ra, trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch đã có những phân công trong hoạt động du lịch, ví dụ như công tác quảng bá - xúc tiến du lịch, công tác đánh giá xếp hạng doanh nghiệp du lịch… Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cần thiết cập nhật hết những đổi mới, bổ sung, điều chỉnh... đã và đang được thực hiện trong những năm qua và hiện nay, phù hợp với định hướng của Chính phủ là xây dựng những bộ luật có nội dung bao quát, cụ thể, chi tiết… (như những bộ luật của các nước phát triển hiện nay) để có thể là chỗ dựa mang tính pháp lý cao, khả thi trong thực tế, rõ ràng trong thực hiện, mà không cần đến các văn bản dưới luật, các nghị định, thông tư… để triển khai, giải thích, bổ sung… như cách mà chúng ta thường xây dựng những bộ luật thời gian trước đây.

Cũng cần thiết lưu ý vấn đề: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là kim chỉ nam định hướng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Luật Du lịch (sửa đổi) cũng cần tính đến quan điểm, mục tiêu, giải pháp... của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng thời có tính dự báo cao để Luật Du lịch (sửa đổi) có thể được ban hành và áp dụng hiệu quả trong thời gian dài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo